An toàn đê điều mùa mưa bão - Bài cuối: Thành trì vững chắc phòng, chống thiên tai

Đê điều được ví như "Thành trì vững chắc" bảo vệ sản xuất, cuộc sống của cộng đồng trước thiên tai dị thường, đặc biệt là lũ, bão…

Chú thích ảnh
Công trình cống qua đê Hải Thịnh, thuộc xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải (Thái Bình) vừa được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng trong năm 2023, góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống thiên tai. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Do vậy, công tác đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng đê điều để đảm bảo an toàn hệ thống đê đóng vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Trần Công Tuyên, Trưởng phòng Quản lý đê điều, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ông đánh giá thế nào về thực trạng đê điều hiện nay ở nước ta tại các địa phương?

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi thiên tai cực đoan cũng như các tác động của hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, nhưng trong những năm qua, công tác đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng đê điều thường xuyên được các tỉnh, thành phố quan tâm. Từ đó giúp các địa phương từng bước nâng cao khả năng đảm bảo an toàn chống lũ đúng thiết kế.

Tuy nhiên, theo đánh giá, rà soát của Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hệ thống đê điều tại các địa phương còn nhiều điểm xung yếu. Cục Quản lý Đê điều và phòng, chống thiên tai vừa cùng các địa phương tổng kiểm tra, rà soát, đánh giá lại hiện trạng hệ thống đê điều. Qua kiểm tra cho thấy, trên các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt còn tồn tại 299 vị trí trọng điểm, xung yếu mà các địa phương cần phải đặc biệt quan tâm, xây dựng phương án bảo vệ. Cùng với đó, còn có 273 km đê thiếu cao trình chống lũ so với thực tế, chủ yếu ở các vùng hạ du của hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, điều này sẽ khiến cho việc khi gặp lũ, hệ thống đê không đúng thiết kế sẽ gây nguy cơ nước tràn đê.

Ngoài ra, tại các địa phương hiện còn trên 400 km đê có mặt cắt đê còn mảnh, nhỏ, có nguy cơ mất an toàn khi xảy ra lũ lớn. Hệ thống đê được xây dựng qua nhiều thời kỳ với phương pháp, vật liệu khác nhau nên tiềm ẩn trong thân đê rất nhiều điểm xung yếu như: tổ mối, rỗng thân đê, vật liệu đắp đê không đồng nhất…, dẫn đến việc rất nhiều khu vực đê xung yếu có nguy cơ bị thẩm thấu, đùn sủi, sạt trượt trong mùa mưa bão.

Việc đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng đê điều mang lợi ích gì cho cộng đồng trong phòng, chống thiên tai và phát triển kinh tế-xã hội, thưa ông?

Hệ thống đê điều trước tiên như "Thành trì vững chắc", như một vành đai khép kín, bảo vệ sản xuất và cuộc sống người dân. Đơn cử như hệ thống đê sông Hồng, sông Thái Bình có khả năng bảo vệ an toàn cho khoảng 25 triệu dân sinh sống quanh khu vực đê này. Cùng với đó, hệ thống đê ngoài tác dụng về công tác phòng, chống thiên tai còn là những tuyến đường giao thông, tạo ra hành lang giao thương lớn, kết nối các vùng miền, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát động tới các địa phương phong trào xây dựng các tuyến đê kiểu mẫu xanh, sạch, đẹp; góp phần vừa đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống thiên tai, vừa tạo ra không gian văn hóa, tạo vành đai xanh. Từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân tham gia bảo vệ và hạn chế tình trạng vi phạm an toàn hệ thống đê điều.

Thưa ông, thời gian qua, công tác quản lý, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng đê điều gặp những thuận lợi, khó khăn gì?

Công tác quản lý, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng đê điều đã được sự quan tâm rất lớn của Nhà nước. Trong những năm qua, nước ta đã xây dựng và ban hành đồng bộ hệ thống pháp luật về đê điều, cơ bản đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý đê điều hiện nay như: Luật Đê điều năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều năm 2020; các nghị định, thông tư trong đó có rất nhiều quy định cụ thể về chính sách, cơ chế đầu tư cho việc tu bổ, nâng cấp đê điều…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng trình Chính phủ phê duyệt các chương trình nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển như: Quyết định số 58/2006/QĐ-TTg, ngày 14/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển hiện có tại các tỉnh có đê từ Quảng Ninh đến Quảng Nam; Quyết định số 667/2009/QĐ-TTg, ngày 27/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang; Quyết định số 2068/2009/QĐ-TTg, ngày 09/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình nâng cấp hệ thống đê sông đến năm 2020...

Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với việc đầu tư, xây dựng, tu bổ đê điều và thường xuyên rà soát, cập nhật để hoàn thiện hệ thống này. Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dành nguồn lực rất lớn, khoảng 3.500 tỷ đồng cho việc nâng cấp đê tại các địa phương. Ngoài ra, nguồn lực đầu tư, nâng cấp, tu bổ, sửa chữa đê điều để chống hư hỏng nhỏ, xuống cấp… cũng được các địa phương quan tâm, người dân đồng thuận.

Tuy nhiên, do số lượng đê rất lớn nên nguồn lực đầu tư, nâng cấp, tu bổ, sửa chữa đê điều còn hạn chế. Qua theo dõi của Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai cho thấy, đa phần công tác đầu tư, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng đê điều tại các địa phương chỉ thực hiện được 40-60% nguồn lực theo chương trình đã xây dựng. Công tác đầu tư, tu bổ đê cấp 4, cấp 5 do địa phương trực tiếp quản lý chưa được quan tâm đúng mức.

Tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều vẫn tiếp tục diễn ra, những hành vi lấn chiếm hành lang bảo vệ đê, không gian thoát lũ ở bãi sông, lòng sông, tình trạng xe quá tải trọng đi trên đường đê làm hệ thống đường đê hư hỏng, xuống cấp. Công tác giải phóng mặt bằng để đầu tư, nâng cấp đê điều còn gặp nhiều khó khăn… Việc giao các cơ quan chức năng tại địa phương làm chủ đầu tư dự án đầu tư, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng đê điều nhiều nơi chưa đủ trình độ và năng lực dẫn đến công tác quản lý theo trình tự xây dựng cơ bản gặp những hạn chế.

Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác đầu tư, xây dựng, tu bổ, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng đê điều đạt hiệu quả?

Theo tôi, trước hết phải tiếp tục rà soát về thể chế chính sách, cơ chế để tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ, kịp thời hơn và phải phù hợp với tình hình mới. Vấn đề này, ngành phòng, chống thiên tai đang làm thường xuyên.

Nguồn lực của Trung ương và địa phương về đầu tư, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng đê điều cần phải được các địa phương tiếp tục quan tâm. Các địa phương phải chủ động, huy động nguồn lực của mình, nguồn lực xã hội hóa để phục vụ công tác này.

Các địa phương quan tâm xây dựng, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về đầu tư, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng đê điều hàng năm. Hiện nay qua theo dõi của Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai mới có khoảng 50% các tỉnh, thành phố có đê ban hành được chính sách này.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trong việc hỗ trợ các địa phương đầu tư, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng đê điều. Do vậy, các địa phương cần đặc biệt quan tâm, chú trọng để triển khai tốt kế hoạch trên, đảm bảo an toàn đê điều ngay trước mùa mưa bão năm 2024 và những năm tiếp theo.

Nhằm đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão 2024, các địa phương đã chủ động thực hiện những kế hoạch, giải pháp nâng cấp, bảo dưỡng đê điều như thế nào để sẵn sàng triển khai ứng phó với mưa lũ?

Trước mùa mưa lũ hằng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tổng kiểm tra, rà soát hiện trạng hệ thống đê điều và xây dựng phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm, cụ thể các phương án, kịch bản phòng, chống thiên tai như vật tư, phương tiện, biện pháp kỹ thuật… theo phương châm "4 tại chỗ" và tổ chức chuẩn bị, kiểm tra trên thực tế để triển khai, thực hiện khi có tình huống xảy ra.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình thuỷ lợi, đê điều trong mùa mưa, lũ hằng năm, trong đó nhấn mạnh việc các địa phương cần phải quan tâm tăng cường công tác phát quang bảo vệ đê điều, triển khai rà soát lực lượng tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo quy định, phát hiện các sự cố ngay từ giờ đầu để kịp thời xử lý theo quy định.

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt 31 dự án thành phần đê điều ở các địa phương. Các địa phương cần quan tâm đẩy nhanh tiến độ thi công cũng như giám sát thi công công trình đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Ngoài ra, các địa phương cần cần phải quan tâm xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thắng Trung/TTXVN (thực hiện)
Nỗ lực khôi phục rừng phòng hộ, bảo vệ đê biển Gò Công
Nỗ lực khôi phục rừng phòng hộ, bảo vệ đê biển Gò Công

Tuyến đê biển Gò Công (Tiền Giang) dài 21,2 km có nhiệm vụ bảo vệ gần 63.000 ha đất tự nhiên, trong đó có khoảng 43.000 ha đất canh tác của các địa phương ven biển như Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, một phần huyện Chợ Gạo, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản Nhà nước và khoảng 600.000 hộ dân trước thiên tai, mưa bão hàng năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN