Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định Hồ Đắc Chương cho biết, toàn tuyến đê đã có 103 trường hợp vi phạm. Nhiều trường hợp đã xây dựng hình thành nhà cửa trên tuyến đê, có nhiều trường hợp lấn chiếm ngay gần vị trí xung yếu như các hệ thống thoát lũ, tiêu úng. Việc lấn chiếm diễn ra đã nhiều năm nay nhưng vẫn chưa thể xử lý một cách triệt để.
Trong quá trình quản lý, Hạt quản lý đê Đông Sông Kôn - Hà Thanh (đơn vị trực tiếp quản lý) thường xuyên phát hiện kịp thời và lập biên bản khi người dân lấn chiếm, như các hành vi đổ vật liệu để san lấp lấy mặt bằng. Tuy nhiên, việc cưỡng chế, tháo dỡ ngăn chặn do chính quyền địa phương cấp xã huyện thực hiện.
Cũng theo ông Chương, nếu tình trạng lấn chiếm quá nhiều thì phần lấn chiếm thoát lũ sẽ không tốt, dẫn đến ngập dài ngày, thời gian ngập lâu, ngập sâu hơn. Nhất là tại các điểm xung yếu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người dân cũng như toàn bộ tuyến đê. Nếu không giải quyết triệt để tình trạng lấm chiếm sẽ dẫn tới người dân coi thường pháp luật, tiếp tục lấn chiếm, gây khó khăn cho quản lý.
Đê Đông là tuyến đê xung yếu của tỉnh Bình Định, tổng chiều dài 46 km, trải dài từ thành phố Quy Nhơn đến các xã phía Đông của huyện Tuy Phước và Phù Cát. Đê này có nhiệm vụ ngăn mặn, tiêu úng và thoát lũ cho hơn 5.000 ha đất canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.
Trong 103 trường hợp vị phạm dọc tuyến đê này, huyện Tuy Phước đã có tới 95 trường hợp. Ông Nguyễn Ngọc Xuân - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định cho hay, hiện nay, tình hình lấn chiếm đất đai trên hành lang hệ thống đê Đông trên huyện Tuy Phước diễn ra khá phức tạp đối với 4 xã khu Đông với 95 trường hợp, tập trung ở các xã Phước Thắng, Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thuận.
Thời gian qua, huyện đã vận động bà con lấn chiếm nằm trong phạm vi hành lang đê Đông tiến hành tháo dở 30 trường hợp, các trường hợp còn lại tiếp tục phân loại. Đối với công trình đơn giản buộc tháo dỡ; trường hợp công trình phức tạp tiến hành xử lý sau, lập lại kỷ cương. Bên cạnh đó, chính quyền cấp đã vận động và yêu cầu các hộ cam kết sẽ thực hiện, chậm nhất cuối năm 2023. Các trường hợp về đất ở sẽ nghiên cứu bố trí đất ở.
Tình trạng xâm chiếm hành lang đê ở đây được xem là xảy ra từ rất lâu. Lợi dụng vào những ngày nghỉ, cũng như sự buông lỏng, lơ là của chính quyền địa phương nên việc xử lý dứt điểm "khó càng thêm khó".
Ông Nguyễn Minh Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước thẳng thắn thừa nhận, ban đầu người ta đổ ít đất đá, sau đó người ta đổ đất thành khu lớn. Khi chính quyền hỏi thì người dân nói đổ ít đất để có chỗ neo buộc tàu, ghe mỗi khi đi biển về. Rồi họ lợi dụng ngày nghỉ của cán bộ để lén lút xây nhà. Khi lực lượng đến thì phát hiện đã xây xong, lập biên bản bắt buộc dừng.
"Hiện xã Phước Sơn có 34 trường hợp, xã đã vận động tháo dở 11 trường hợp thời gian tới ra quân buộc tháo dở, nếu không chấp hành sẽ cưỡng chế trả lại hiện trạng ban đầu" Phó chủ tịch UBND xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước khẳng định.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng trên, hiện nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chỉ đạo của UBND tỉnh tiếp tục xây dựng quy chế phối hợp hoàn thiện theo các nghị định mới ban hành, đặc biệt nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy lợi, đê điều và phòng chống thiên tai.
Trước mắt, lực lượng chức năng sẽ tiến hành tháo dỡ xử lý các công trình tạm bợ, các công trình gần với điểm xung yếu, các cống tiêu thoát lũ; đồng thời xây dựng phương án di dời, tháo dỡ các công trình nhà cửa kiên cố khác. Sở cũng phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ để người dân không tái phạm, nhất là các đoạn đê xung yếu và tăng cường nâng cao hiểu biết pháp luật của nhân dân.