Những bước chuyển mình đầu tiên sau sáp nhập ở phường Sầm Sơn (Thanh Hóa)

Ngày 16/6/2025 đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử hành chính của thành phố Sầm Sơn khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 1686/NQ-UBTVQH15 về việc sáp nhập 7 phường (Bắc Sơn, Quảng Tiến, Quảng Cư, Trung Sơn, Trường Sơn, Quảng Châu, Quảng Thọ) thành một đơn vị hành chính mới mang tên phường Sầm Sơn.

Chú thích ảnh
 Ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin tại Trung tâm điều hành thông minh phường Sầm Sơn. Ảnh: TTXVN

Với diện tích 30,29 km² và dân số gần 100.000 người, đây là mô hình chính quyền đô thị 2 cấp (phường-tỉnh) đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa, hứa hẹn nâng cao hiệu quả quản lý và phục vụ người dân.

Chú thích ảnh
Trung tâm phục vụ hành chính công phường Sầm Sơn phục vụ người dân địa phương đến giải quyết thủ tục hàng ngày. Ảnh: TTXVN

Ngay khi đi vào hoạt động (1/7/2025), Đảng ủy và UBND phường Sầm Sơn xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công, phân nhiệm rõ ràng tới từng bộ phận chức năng, giúp bộ máy vận hành trơn tru, nhất là ở bộ phận hành chính công, dịch vụ công được thực hiện khoa học, tránh chồng chéo. Trung tâm Phục vụ Hành chính công - "bộ mặt" của chính quyền đi vào hoạt động ngay với 13 quầy giao dịch, tiếp nhận 1.419 hồ sơ chỉ trong nửa đầu tháng 7. Tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt 98,5%. Việc niêm yết rõ ràng 399 thủ tục cấp xã (kèm mã QR) cùng tỷ lệ tiếp nhận trực tuyến chiếm 60% (854/1.419 hồ sơ) là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị nhằm hiện đại hóa việc giải quyết các thủ tục hành chính, đáp ứng được yêu cầu phục vụ nhân dân trong tình hình mới.

Chú thích ảnh
 Người dân đến làm thủ tục chính sách xã hội. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, quá trình triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp tại phường Sầm Sơn cũng đang gặp phải một số khó khăn cần được tháo gỡ để nâng cao hiệu quả hoạt động. Ông Trịnh Tiến Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Sầm Sơn cho biết, trong công tác quản lý và điều hành, mặc dù Chính phủ đã ban hành đầy đủ các quy định pháp luật về phân quyền, phân cấp, nhưng việc triển khai tập huấn, phổ biến tại một số ngành, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường vẫn chưa được thực hiện đồng bộ. Điều này khiến cho quá trình áp dụng vào thực tiễn gặp nhiều lúng túng. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi từ mô hình cấp huyện sang cấp xã khiến nhiều cán bộ phải đảm nhận những vị trí công tác mới, trong khi kinh nghiệm còn hạn chế và chất lượng đội ngũ chưa đồng đều.

Ông Trịnh Tiến Dũng cũng cho biết, sự thiếu hụt cán bộ có trình độ công nghệ thông tin đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện chuyển đổi số tại địa phương như: Dịch vụ công, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, thuế, môi trường... Việc áp dụng dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế do nhiều người dân, đặc biệt là người cao tuổi chưa có tài khoản VneID mức 2, trong khi công tác hướng dẫn, hỗ trợ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. 

Chú thích ảnh
 Cán bộ hướng dẫn người dân quy trình làm thủ tục hành chính. Ảnh: TTXVN

Để giải quyết những tồn tại, khó khăn trước mắt, các cấp chính quyền phường Sầm Sơn đã và đang “chung sức, đồng lòng” thực hiện nhiều giải pháp đông bộ như tăng thời gian làm việc ngoài giờ, tận dụng đội ngũ thanh niên địa phương có trình độ công nghệ thông tin giỏi để giúp chính quyền và nhân dân trong việc xử lý các công việc liên quan đến thủ tục hành chính, dịch vụ công. Đồng thời, tổ chức các đoàn công tác đi học tập, khảo sát ở một số địa phương khác trong và ngoài tỉnh để học hỏi và rút kinh nghiệm. 

Chú thích ảnh
 Bảng niêm yết công khai thủ tục hành chính tại phường Sầm Sơn. Ảnh: TTXVN

Tuy mới đi vào hoạt động trong thời gian ngắn nhưng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại phường Sầm Sơn phần nào đã chứng minh được tính ưu việt trong việc tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý, đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân.

Sự ra đời của phường Sầm Sơn không chỉ là cuộc "đại phẫu" hành chính, mà còn là cơ hội để Thanh Hóa thí điểm mô hình chính quyền đô thị năng động, giảm tầng nấc trung gian. Dẫu còn nhiều thách thức, những nỗ lực ban đầu cho thấy quyết tâm của một chính quyền "mới về tên gọi, mạnh về chất lượng". Hành trình phía trước còn dài, nhưng với tinh thần "lấy người dân làm trung tâm", phường Sầm Sơn đang từng bước định hình một mô hình quản trị đáng học hỏi cho các địa phương khác.

Bài và ảnh: Phương Hoa (Báo Tin tức và Dân tộc)
Khai hội du lịch biển Sầm Sơn - Rực rỡ sắc màu
Khai hội du lịch biển Sầm Sơn - Rực rỡ sắc màu

Lễ hội du lịch biển năm 2024 và khánh thành Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội thành phố Sầm Sơn đã diễn ra tối 27/4, thu hút sự tham gia của hàng vạn du khách và người dân địa phương. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN