Trước kia, phía ngoài đê biển đã từng có một đai rừng phòng hộ khá dày, từ vài trăm mét đến trên 1km tùy theo khu vực, phát huy tốt vai trò phòng hộ, hộ đê, bảo vệ sản xuất và đời sống.
Tình hình sạt lở bờ biển tại đây đang diễn biến phức tạp, đai rừng phòng hộ ven biển Gò Công bị xâm thực nghiêm trọng. Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang, trong 10 năm trở lại đây, sạt lở bờ biển làm mất 47 căn nhà và đe dọa 120 căn nhà khác của các hộ dân sống ven đê biển. Diện tích rừng phòng hộ ngày càng thu hẹp do xâm thực bờ biển, có những vị trí mất rừng từ 10 - 15m/năm.
Nhiều vị trí đai rừng phòng hộ chỉ còn từ 4 - 20m, một số đoạn đê xung yếu không còn rừng nên sóng biển đánh thẳng vào thân đê. Các vị trí còn lại đai rừng tiếp tục bị xói lở và thu hẹp dần. Trong khi đó, hàng năm, các cơn bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện nhiều hơn với cường độ ngày càng lớn hơn khiến tình trạng sạt lở thường xuyên xảy ra cộng hưởng tác động biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng, đe dọa nghiêm trọng tuyến đê xung yếu.
Để ứng phó, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã nâng cấp cải tạo kè lát mái, kiên cố hóa trên 11.000m đê biển Gò Công. Từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ, giai đoạn 2020 - 2021, tỉnh đầu tư trên 76,5 tỷ đồng làm kè giảm sóng, gây bồi chống xói lở 3.200m đoạn xung yếu của đê biển Gò Công (trong đó vốn Trung ương 65 tỷ đồng, còn lại vốn địa phương đối ứng). Công trình này nhằm giảm sóng, gây bồi bảo vệ diện tích rừng hiện có và từng bước phục hồi lại diện tích đất ven biển đã mất do xói lở gây ra.
Theo quan trắc của Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão, từ khi đưa vào sử dụng, đến nay, phía trong khu vực kè đã bồi lắng bùn cát dày khoảng 0,5 - 0,7m tùy đoạn, đồng thời cây rừng bắt đầu tái sinh phía bên trong khu vực kè.
Từ năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Tiền Giang tiếp tục triển khai Dự án Nâng cấp đê biển Gò Công (giai đoạn 2). Dự án có tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: Tuyến đê giảm sóng, gây bồi dài 5.421m và sửa chữa cống dưới đê nhánh 2, nhánh 3… Mục tiêu của dự án nhằm phòng, chống sạt lở bờ biển, khôi phục diện tích rừng bị xói lở, đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản, bảo vệ tuyến đê biển Gò Công, giảm thiệt hại do thiên tai; xây dựng cơ sở hạ tầng và công tác bảo vệ an ninh quốc phòng, phát triển du lịch, kinh tế biển của tỉnh. Dự kiến, công trình hoàn thành vào cuối năm 2023.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh, tuyến đê biển Gò Công có một số vị trí đai rừng phòng hộ chỉ còn từ 4m đến 40m và đang tiếp tục bị xói lở, thu hẹp dần. Khu vực các vị trí đai rừng phòng hộ không còn nên sóng biển đánh thẳng vào mái đê, tiềm ần nguy cơ cao đối với an toàn tuyến đê biển. Nhằm phát huy hiệu quả các dự án nâng cấp đê biển, phòng, chống sạt lở và khôi phục rừng phòng hộ đã được đầu tư, Tiền Giang kiến nghị Trung ương hỗ trợ địa phương tiếp tục đầu tư xây dựng Dự án phòng, chống xói lở bờ biển, bảo vệ đê biển Gò Công đoạn còn lại từ cầu Rạch Bùn đến Đèn Đỏ trong thời gian tới.
Địa phương đưa ra nhiều giải pháp nhằm chủ động ứng phó với các ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, phòng, chống sạt lở bờ biển, nhất là trong mùa mưa bão hàng năm nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng ven biển Gò Công. Trong đó, địa phương quan tâm tổ chức quản lý tốt rừng phòng hộ hiện có gắn với quan trắc, theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở trên toàn tuyến đê biển nhằm kịp thời đưa ra giải pháp khắc phục hữu hiệu; tổ chức trồng thêm rừng phòng hộ ở những nơi có điều kiện, từng bước khôi phục diện tích rừng phòng hộ ở địa bàn xung yếu.
Nhằm góp phần phục hồi rừng ngập mặn ven biển Gò Công, nhiều dự án trồng rừng được triển khai tại đây như: Trồng 10.000 cây phi lao ven biển Gò Công Đông của Tỉnh Đoàn; Chương trình trồng và chăm sóc cây xanh của Huyện Đoàn Gò Công Đông; Dự án "Trồng rừng thích ứng biến đổi khí hậu Blue&Green"… Ngành chức năng tăng cườngthông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân đối với công tác phòng, chống thiên tai nói chung và phòng, chống sạt lở bờ biển nói riêng, cùng chung tay bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng phòng hộ nhằm ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân.