Tổng chiều dài sạt lở là 46 m, trong đó có một đoạn đê bị sạt dài 25m, rộng 6 m, sâu 1,5 m và một đoạn bị sạt dài 21 m, rộng từ 1 - 3 m và sâu 1 m. Sự cố sạt lở chưa gây thiệt hại về người và tài sản nhưng gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến đời sống, an toàn tính mạng của người dân trong thời gian tới.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu đề xuất biện pháp khắc phục; trong đó, giải pháp cấp bách là thi công ngay đá hộc sắp xếp liên kết với nhau ngăn chặn triều cường và chống sạt lở đê với kinh phí khoảng 500 triệu đồng. Về giải pháp lâu dài, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn cần đẩy nhanh tiến độ thi công công trình kè ngầm giảm sóng thuộc Dự án gia cố chống xói lở bờ biển Vĩnh Trạch Đông - Nhà Mát (thành phố Bạc Liêu).
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu công bố tình trạng khẩn cấp sạt lở đoạn đầu tuyến đê Biển Đông giáp ranh tỉnh Sóc Trăng (thuộc địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu). Đồng thời, tỉnh cho phép Sở sử dụng nguồn Quỹ phòng, chống thiên tai (hoặc bố trí nguồn dự phòng ngân sách) thực hiện thi công ngay các rọ đá hộc sắp xếp liên kết với nhau ngăn chặn triều cường và chống sạt lở. UBND tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố Bạc Liêu theo dõi, kiểm tra, giám sát diễn biến sự cố sạt lở và huy động các lực lượng hỗ trợ người dân đắp các bao tải đất, cát để chống nước biển tràn vào nhà dân.
Ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu cùng chính quyền xã Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu) đã huy động lực lượng Công an xã, dân quân tự vệ, cán bộ, chiến sỹ thuộc Đồn Biên phòng Nhà Mát và người dân địa phương khẩn trương đắp các bao tải đất, cát xung quanh khu vực sạt lở, hạn chế khả năng vỡ đê. Bà Dương Thị An Til, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trạch Đông cho biết, ngay sau khi nhận được tin báo, chính quyền địa phương đã báo cáo ngành chức năng để sớm có phương án xử lý kịp thời, ngăn chặn nguy cơ tiếp tục sạt lở đê Biển Đông...