Ngoài ra, 214 vị trí ven sông bị sạt lở với chiều dài 4.925 m, hơn 1.700 m bờ bao bị vỡ. Tổng thiệt hại tài sản do thiên tai gây ra ước tính gần 20 tỷ đồng.
Nhận định tình hình thời tiết từ nay đến cuối năm 2023 còn diễn biến phức tạp, khó lường, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị các đơn vị, địa phương có liên quan thường xuyên theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo về gió mạnh, sóng to xuất hiện trên biển, mưa lớn trên đất liền và diễn biến vùng áp thấp để kịp thời thông tin, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng tránh, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân gia cố bờ bao, tránh thất thoát thủy sản nuôi, bảo vệ an toàn diện tích sản xuất; thường xuyên kiểm tra tuyến đê biển, các khu vực xung yếu theo hướng chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó, hạn chế thấp nhất về thiệt hại. Cơ quan chức năng khẩn trương huy động lực lượng, vật tư, phương tiện, tổ chức xử lý ngay các sự cố sạt lở, sụt lún để đảm bảo an toàn công trình đê biển, đường giao thông nông thôn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để làm tốt nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn; tích cực hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai...
Những ngày qua, trên vùng biển xuất hiện sóng to, gió lớn đã làm chìm 2 tàu cá của ngư dân Cà Mau. Rất may không có thiệt hại về người, 11 thuyền viên trên hai tàu bị chìm đã được Bộ đội Biên phòng Cà Mau và ngư dân kịp thời hỗ trợ cứu, vớt an toàn. Hiện, sức khỏe của các thuyền viên đã ổn định. Tuy nhiên, do thời tiết xấu nên hai tàu cá bị chìm vẫn chưa được trục vớt đưa vào bờ.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 1 (Talim), trên địa bàn tỉnh xuất hiện mưa to kèm theo dông, lốc. Thống kê ban đầu, thiên tai gây thiệt hại 34 căn nhà của người dân ở các huyện Phú Tân, U Minh và Trần Văn Thời; làm sụt lún khoảng 50 m kè bản nhựa tại xã Khánh Hội, huyện U Minh.