Ổn định đời sống người dân vùng sạt lở ở Hậu Giang

Bước vào mùa mưa năm 2023, tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh Hậu Giang diễn biến phức tạp. Trước những ảnh hưởng của thiên tai, địa phương đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và ổn định đời sống nhân dân.

Chú thích ảnh
Kè sinh thái ven kênh Tân Hiệp, thị trấn Một Ngàn, Châu Thành A (Hậu Giang). Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Sạt lở diễn biến khó lường

Sau một đêm mưa to kéo dài, cuộc sống của nhiều hộ dân ở dọc tuyến kênh Nàng Mau, ấp Thạnh Lợi A1, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp bị xáo trộn. Bốn căn nhà ven kênh bị thiệt hại do sạt lở đất, đe dọa hai căn nhà của hai hộ lân cận. Người dân buộc phải di dời khẩn cấp để đảm bảo an toàn.

Nhìn căn nhà chỉ còn trơ trọi khung sắt, bà Lâm Thị Ba (ở ấp Thạnh Lợi A1, xã Tân Long) cho biết, căn nhà là tài sản vợ chồng bà tích cóp cả đời mới xây dựng được. Thế nhưng, chỉ trong chốc lát, tất cả chìm sâu dưới nước.

Tại huyện Châu Thành, sạt lở đất làm ảnh hưởng đến nhiều hộ dân sống dọc tuyến kênh Mái Dầm. Ông Nguyễn Văn Phên (ấp Đông Mỹ, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành) có nhà bị thiệt hại sau vụ sạt lở đất hồi tháng 6/2023. Ông nhớ lại, khoảng hơn 4 giờ, ông đang ngủ, nghe tiếng động ầm ầm. Nghĩ có chuyện chẳng lành, ông nhanh chân thoát ra ngoài nhưng cửa bị xiêu vẹo không mở được. Sau đó, ông phải đập cửa mới chạy thoát ra ngoài. 

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, địa bàn tỉnh xảy ra 58 vụ sạt lở, diện tích mất đất là 8.725 m2. Ngành chức năng dự báo tình hình sạt lở tiếp tục diễn biến khó lường trong thời gian tới.

Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang nhận định, tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp, xuất hiện nhiều điểm sạt lở xung yếu. Trong 58 điểm sạt lở trên địa bàn tỉnh,  huyện Châu Thành đã xảy ra 52 điểm. 

Nguyên nhân dẫn đến sạt lở ngày càng phức tạp là do lượng phù sa giảm nhiều so với các năm trước. Biến đổi khí hậu làm lưu tốc dòng chảy tăng và việc khai thác cát quá mức. Bên cạnh đó, tàu trọng tải lớn lưu thông trên các tuyến sông, kênh làm cho lòng sông ngày càng sâu, độ dốc mái kênh ngày càng lớn. Kết cấu đất yếu đi do bước vào mùa mưa, mái kênh bị ngập nước làm mái dốc mất ổn định, mất khả năng chịu tải...

Chủ động ứng phó, hỗ trợ người dân ổn định đời sống

Chú thích ảnh
Kè sinh thái trồng tràm ven kênh Tân Phú A, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Trước tình hình sạt lở diễn biến phức tạp, khó lường, ngành chức năng tỉnh chú trọng công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục nhằm hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống.

Khi xảy ra sạt lở, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn địa phương khẩn trương hỗ trợ người dân đến nơi ở an toàn, dọn dẹp điểm sạt lở; tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ sạt lở để bà con phòng ngừa.Tỉnh tận dụng nguồn lực của tỉnh, Trung ương sớm khắc phục điểm sạt lở. Đối với các điểm nóng sạt lở, tỉnh bước đầu hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn, xử lý điểm sạt lở cục bộ.

Ngành chức năng khuyến cáo, người dân thường xuyên theo dõi dự báo, cảnh báo sạt lở, chấp hành tốt yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, chủ động di dời đến nơi an toàn khi phát hiện dấu hiệu sạt lở, tránh thiệt hại về người và tài sản. 

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, từ đầu năm đến nay, sạt lở đã gây thiệt hại trên 5,4 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2022, tăng 42 điểm sạt lở, ước tính thiệt hại tăng trên 3,3 tỷ đồng. Trước tình hình sạt lở diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động thực hiện giải pháp phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trước và trong mùa mưa. 

Tỉnh chỉ đạo di dời cấp bách những hộ có nguy cơ sạt lở nhà với tinh thần đảm bảo tính mạng con người là trên hết. Trước mắt, địa phương bố trí nhân dân ở tạm tại nơi an toàn, sau đó vào các khu tái định cư đã có chủ trương xây dựng để ổn định chỗ ở, sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện Đề án Phòng, chống sạt lở bờ sông đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, từ năm 2020 đến nay, Hậu Giang xây dựng 9 công trình kè tại các khu vực xung yếu, nguy cơ sạt lở cao với tổng kinh phí trên 208 tỷ đồng. Địa phương đang tiếp tục thực hiện ba công trình kè và khu tái định cư để bố trí ổn định dân cư khu vực thiên tai, sạt lở sông Cái Côn, huyện Châu Thành, với tổng kinh phí 400 tỷ đồng.

Hồng Thái (TTXVN)
Sạt lở tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân Tiền Giang
Sạt lở tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân Tiền Giang

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, tình hình sạt lở trên địa bàn diễn biến phức tạp, tiếp tục gây ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN