Nhấp ngụm trà xuân…

Trà là một thế giới mênh mông, ít ai tự xưng mình là người sành trà, người Trung Quốc có “trà kinh” để nói về chuyện uống trà, người Nhật nâng việc uống trà thành “đạo”. Không cầu kì nghi thức như người Nhật, không đa dạng, phong phú về chủng loại như người Trung Quốc, người Việt có kiểu uống trà mộc mạc nhưng cũng không mất đi nét tinh tế và tính nghệ thuật, cho dù đó là “chiếu trà” nơi lầu son gác tía chốn cung đình hay bát chè mạn dưới gốc sấu già trên những con phố cổ giữa một sớm mùa đông lành lạnh…

Uống trà, cốt là thưởng thức cái khoái hoạt trong từng ngụm trà, trong từng câu chuyện, cảm nhận sự tương giao giữa người với trà, giữa người với người và giữa con người với không gian thiên nhiên xung quanh… Uống một bát chè mạn nơi góc phố cổ, nhấp một ngụm trà trong sương sớm giữa mênh mông đất trời nơi chốn thâm sơn cùng cốc hay thưởng trà trong trà thất sang trọng đều có cái thi vị riêng. Sự khoái hoạt ấy không chỉ là trà ngon, ấm tốt… mà tâm thế của người thưởng trà cũng phải an tịnh, hòa hợp để cảm nhận cái ngon của trà, nên nhà thiền gọi là “trà thiền nhất vị” (trà và thiền là một).

Từ xa xưa, người Việt uống trà đơn giản, họ tự trồng cho mình những gốc trà làm hàng rào quanh nhà, hái những lá chè từ cái hàng rào ấy, rửa sạch, vò nát rồi hãm trà trong những chiếc ấm không cần cầu kì để rồi “trưa nắng hè, gọi nhau râm ran chè xanh…”. Cách uống trà như vậy gần như là nét đặc trưng của người Việt, gần gủi, giản dị, mộc mạc, xóm giềng quây quần bên ấm chè mà tình thân thêm thắt chặt, xóm làng thêm đượm tình… Bát chè xanh vì vậy mà ngon, mà ngọt và chứa chan tình cảm, kỉ niệm để mỗi khi xa quê người ta lại nhớ về gốc gác, tổ tiên, làng xóm…

Chú thích ảnh
Các cụ ngày xưa bên chiếu trà - ảnh tư liệu

Mộc mạc là vậy, nhưng cách uống trà của người Việt cũng rất tinh tế. Để có một chén chè xanh thơm, ngon mời bạn tri kỉ, các cụ ngày xưa ướp trà bằng cách, từ tối hôm trước đã chèo thuyền ra giữa hồ, cẩn thận cho trà vào những búp sen chưa nở để ướp hương, sáng tinh mơ hôm sau, lại cẩn thận hứng những giọt sương còn đọng trên lá sen, mang về nấu sôi để pha với những cánh trà đã được ướp hương trong những đóa sen ấy.

Người thưởng trà cảm nhận tinh tế trong cả quá trình từ khi những bọt tăm trong ấm nước pha trà đang nấu sủi lên, cảm nhận mùi hương từ khi bắt đầu pha trà cho đến khi đưa chén trà qua mũi, thưởng thức vị chát khi nhấp một ngụm trà và cái dư vị ngòn ngọt từ đầu lưỡi lan dần xuống cổ… Chẳng vậy mà “ông lão ăn mày” trong câu chuyện của Cụ Nguyễn Tuân lập tức biết ngay trong hộp trà có lẫn mấy cái vỏ trấu khi thưởng thức một ấm trà ngon trong nhà quan.

Trong thế giới trà có vô vàn chủng loại, người Việt xưa nay đa phần vẫn thường chọn uống chè xanh. Những đọt trà mùa xuân ở vùng Tân Cương, Thái Nguyên nếu được hái đúng độ, được sao chế cẩn thận cũng có hương thơm, vị ngọt và độ tinh tế không thua kém những loại trà xanh danh tiếng như Mao Phong, Long Tĩnh…

Chú thích ảnh
Trà nõn xuân Tân Cương nếu được hái và sao đúng độ cũng có hương vị không thua kém những danh trà như Mao Phong Long Tỉnh...

Người sành trà hay nói “nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ ấm”, đó là những yếu tố có tính quyết định để có một ấm trà ngon. Nước pha trà không được quá sôi, nhất là khi pha những loại trà nõn. Trà được bỏ vào ấm, tráng sơ bằng nước nóng (rửa trà) sau đó cho nước vừa sôi vào, nước rót vào ấm không được để lâu vì sẽ làm “cháy” trà, vị trà vì vậy sẽ gắt, không ngon. Nước trà sau khi pha vào ấm được rót ra một cái chén lớn, gọi là chén tống. Từ chén tống mới rót ra “chén quân” để đảm bảo trà không bị ngâm lâu và trà trong mỗi chén đồng đều nhau về độ đậm nhạt. Nước trà ngon là ở nước thứ nhất và thứ nhì, cùng lắm là nước thứ 3 vì những nước sau đó, chất tanin ở sâu trong trà sẽ tiết ra nhiều làm người uống bị mất ngủ, không tốt cho sức khỏe. Trong suốt quá trình pha, người pha trà nên giữ sự thanh tịnh, hòa hợp, vui vẻ thì vị trà mới ngon, hương trà mới thơm và màu trà mới trong…

Dù xếp “thứ tự” như vậy, nhưng điều đáng nói nhất về trà cuối cùng thường xoay quanh những chiếc ấm. Ngày xưa các cụ đã đúc kết “Thứ nhất Thế Đức gan gà, thứ nhì Lưu Bội thứ ba Mạnh Thần”. Trải qua dâu bể thăng trầm, nhiều gia đình người Việt vẫn còn lưu giữ được những chiếc ấm gan gà, những chiếc ấm Mạnh Thần và trân trọng, gìn giữ như những báu vật. Sưu tầm ấm trà là một thú chơi của người thưởng trà. Ngày nay khi điều kiện kinh tế cũng như giao lưu dễ dàng hơn, nhiều “trà sĩ” sẵn sàng chi hàng tỷ đồng cho những chiếc ấm tử sa được tạo tác bởi những nghệ nhân tên tuổi vào hàng “đại sư” của Trung Quốc hoặc Nhật Bản.

Thú chơi ấm dù vậy cũng không đơn thuần dựa vào việc chiếc ấm ấy trị giá bao nhiêu tiền, mà người uống trà với chiếc ấm như những người bạn thâm giao. Ấm trà càng được nâng niu gìn giữ thì ngày càng đẹp, càng có hồn chất, pha trà càng ngon hơn. Ngày qua tháng lại, người và ấm như có tình với nhau nên giá trị của chiếc ấm trà không đơn thuần là giá trị khi xuất xưởng nữa. Chiếc ấm ấy “từng được ai sử dụng” đôi khi cũng tạo nên một giá trị vô hình mà người chơi ấm hướng đến.

Chung quanh một chiếc ấm quý, thường có những giai thoại, điều ấy tạo thêm sức hấp dẫn với người uống trà và chơi ấm. Như câu chuyện về chiếc “ấm hạc” mà cụ Vương Hồng Sển từng kể. Đó là câu chuyện về một nhóm người Đức từng qua Việt Nam gặp ông Sển để nhờ ông tìm giùm một chiếc bình độc ẩm của Trung Quốc. Theo thông tin những người Đức có được, bộ bình này có tất cả 3 chiếc, nhưng họ đã tìm được 2 chiếc rồi, giờ đi lùng tìm chiếc còn lại. Ông Sển hỏi đặc điểm loại bình này, ông người Đức giở nắp bình, rót nước sôi vào rồi kêu ông Sển khom mình xuống thấp mà xem. Trong làn hơi bốc lên từ miệng bình, hiện rõ một đàn chim hạc đang bay. Lúc nào cũng vậy, cứ rót nước sôi vào bình, thì hơi nước tạo thành hình một đàn hạc đang bay.

Chú thích ảnh
Mỗi chiếc ấm quý đều có cơ duyên với những người chủ...

Người uống trà lâu năm tin rằng mỗi chiếc ấm quý đều có cơ duyên với những người chủ, giống như những chiếc ấm hạc kia, chỉ với chừng ấy thông tin nhưng ông Sển và nhóm người Đức vẫn lên đường đi tìm. Một hôm qua sông buổi sớm, nhìn bên đường thấy có cái quán hớt tóc, ông thợ chưa có khách đang ngồi uống trà một mình, và ông có cái bình độc ẩm. Cả nhóm ghé lại làm quen, thấy bình của ông hớt tóc giống y kiểu bình cần tìm, nhưng không biết thật hay giả. Mới hỏi bình này lai lịch thế nào, thì biết nó là của vợ chồng người chèo đò, người này túng tiền đem cầm cho ông thợ hớt tóc mấy đồng. Nhóm ông Sển thấy vậy nói, tụi tôi trả cho gấp mười số tiền đã cầm ấy, ông hỏi vợ chồng người chèo đò kia có bán không? Ông thợ hớt tóc không tin, nhưng nhóm ông Sển hứa chắc, vợ chồng người chèo đò quá mừng vì không ngờ chiếc bình có thể mang lại món tiền tương đương với hai ngồi nhà gạch. Đến chừng đem về, rót nước sôi thử xem thì quả có đàn hạc bay lên trong hơi nước y hệt như hai cái kia. Vậy là người Đức có đủ bộ ba chiếc bình độc ẩm kỳ đặc ấy…

Kể lại câu chuyện này, cốt cũng chỉ để các “trà sĩ” có thêm một giai thoại trong lúc “trà dư tửu hậu”. Nhưng mọi câu chuyện về trà về ấm dù có thú vị đến đâu cũng không bằng tự mình trải nghiệm, thưởng thức một ấm trà ngày đầu xuân. Hãy đun một ấm nước vừa sôi, chọn những búp trà nõn xuân tinh khiết nhất, pha một ấm trà bằng tất cả tình cảm của người pha trong ngày đầu xuân để mời những người mình yêu quý, đó chính là một nét đẹp cần được giữ gìn trong văn hóa người Việt vậy.

Bài và ảnh Lê Hiền
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN