Công nghệ tài chính ‘nở rộ’ kéo theo mối đe dọa rửa tiền mới

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia tài chính, công nghệ ngày càng phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng kéo theo nhiều mối đe dọa rửa tiền mới. Tuy nhiên công nghệ Blockchain đang được xem là dịch vụ hỗ trợ phòng chống rửa tiền (PCRT), chống tài trợ khủng bố (TTKB).

Trong giao dịch ngân hàng trực tuyến, khi khách hàng kết nối với máy chủ web của ngân hàng bằng mã ID cá nhân của mình rồi nhập mật khẩu cá nhân, hệ thống sẽ tự động xác minh nhân thân người đó. Với hệ thống này, những tội phạm tài chính có thể thực hiện các giao dịch, điền vào nhiều mẫu đơn, mà không cần đến ngân hàng. Điều đó khiến công việc của bọn tội phạm dễ dàng hơn nhiều.

Thương mại điện tử

Những kẻ rửa tiền giao dịch có thể kết nối với mạng mở rộng của các trang web thương mại điện tử không được khai báo, bảo mật và bất hợp pháp, cũng như với mạng thanh toán của các nhà cung cấp dịch vụ. Nhà cung cấp dịch vụ (người bán- MSP) được yêu cầu đảm bảo rằng các trang web thương mại điện tử là hợp pháp vì các tổ chức trực tuyến không công khai minh bạch thông tin có thể dễ dàng xâm nhập vào hệ thống thanh toán thông qua rửa tiền.

Để tránh rủi ro và trách nhiệm liên quan đến việc tạo điều kiện cho rửa tiền giao dịch, các nhà xử lý thanh toán cần áp dụng công nghệ trí tuệ mạng tiên tiến, giúp tiết lộ các mạng thương mại điện tử ẩn, các nhà cung cấp và các hoạt động liên quan.

Tiền tệ kỹ thuật số

Mặc dù việc sử dụng tiền kỹ thuật số hoặc tiền mã hóa để rửa tiền phức tạp hơn so với các phương pháp truyền thống, nhưng bọn tội phạm hiện nay hay chọn cách thức rửa tiền qua tiền điện tử, vì còn thiếu các quy định về chống rửa tiền (gọi tắt là AML đề cập đến một tập hợp các thủ tục, luật pháp và qui định được ban hành để ngăn chặn các hành vi tạo thu nhập thông qua các hành động bất hợp pháp) trong lĩnh vực này.

Tiền điện tử có thể được mua bằng tiền định danh (Fiat money) hoặc các loại tiền điện tử khác. Những đồng tiền này sau đó được trao đổi trên các sàn giao dịch không tuân thủ luật AML. Trong các sàn giao dịch này, tiền dễ dàng bị rửa do sử dụng dịch vụ ẩn danh để che giấu nguồn tiền.

Giai đoạn cuối của rửa tiền, bọn tội phạm có thể tạo ra một công ty trực tuyến chấp nhận thanh toán bằng bitcoin để biến tiền điện tử bẩn thành tiền điện tử hợp pháp.

Cờ bạc trực tuyến và trò chơi điện tử trực tuyến

Sự phát triển của ngành công nghiệp trò chơi điện tử cũng kéo theo nguy cơ rửa tiền gia tăng. Do thiếu các quy định, lĩnh vực này đã trở thành mục tiêu tiềm năng cho rửa tiền. Những kẻ rửa tiền mua hàng tồn kho trong trò chơi bằng thẻ tín dụng bất hợp pháp, sau đó bán với giá thấp hơn thị trường chợ đen. Như vậy, chúng đã rửa sạch số tiền đen, biến nó thành tiền sạch.

Truyền thông xã hội

Ngày nay, mọi người ngày càng dành nhiều thời gian hơn trên mạng xã hội. Do đó, tội phạm tài chính sử dụng các kênh truyền thông xã hội cũng ngày càng gia tăng. Những kẻ rửa tiền có thể thực hiện các chương trình kiếm tiền giả thông qua mạng xã hội và cố gắng lôi kéo mọi người tham gia vào các chương trình. Sau đó, sử dụng những người mà chúng thu hút được vào mạng của chúng để rút tiền từ tài khoản của họ. Bọn tội phạm tài chính sử dụng những người này như những “con la”  kiếm tiền và thường nhắm vào những người trẻ tuổi.

Theo một số chuyên gia ngân hàng, công nghệ Blockchain thời gian gần đây đang tạo ra giao dịch đáng tin cậy và tác động mạnh mẽ đến hầu hết lĩnh vực hoạt động của ngành tài chính - ngân hàng như: Tiền gửi, thanh toán và chuyển tiền, an toàn bảo mật, giúp nhận biết khách hàng, PCRT, chống TTKB…

Công nghệ Blockchain đang thực sự mở ra một tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, nó có tác động to lớn đến quy trình xác nhận giao dịch, quản lý tiền mặt, tối ưu hóa tài sản cũng như các quy trình kinh doanh khác. Theo các chuyên gia công nghệ, với những tiến bộ trong công nghệ, cuộc sống của con người sẽ thay đổi và blockchain cũng không phải là ngoại lệ.

Khi áp dụng công nghệ Blockchain, toàn bộ hệ thống phân phối các khoản tiền gửi và nhận sẽ được phân cấp và sẽ không bị kiểm soát bởi bất cứ cá nhân hay tổ chức nào. Hoặc đơn giản như quá trình thanh toán bảo hiểm. Thay vì cách thức hoạt động truyền thống, quá trình chi trả bảo hiểm sẽ được thực hiện tự động. Hệ thống sẽ hoạt động trên hợp đồng thông minh, xác minh tự động và không hề có sự chậm trễ giữa các bên và quá trình chi trả được thực hiện ngay lập tức.

Theo ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc tư vấn Vietstock, công nghệ này được coi là nền tảng của làn sóng cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang diễn ra trên thế giới và mở ra xu hướng phát triển mới cho nhiều lĩnh vực, từ tài chính ngân hàng, bán lẻ, vận chuyển hàng hóa, sản xuất đến viễn thông…

Công nghệ Blockchain (chuỗi khối) là một nền tảng công nghệ giúp ghi chép dữ liệu theo phương thức sổ cái phân tán trên nền tảng các máy tính ngang hàng, sử dụng một hệ thống được mã hóa bởi các thuật toán phức tạp với cơ sở dữ liệu các bản ghi giao dịch phi tập trung, cho phép người dùng trong cộng đồng sử dụng có thể truy cập công khai nhưng không một ai có thể can thiệp, sửa đổi. Đồng thời, cho phép tạo ra nhưng bản ghi giao dịch minh bạch, lâu bền, chống sửa đổi, có thể truy vết giữa các bên tham gia hệ thống mà không cần đến bất kỳ một bên trung gian tín nhiệm nào khác lưu giữ.

Để Blockchain phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, cần có sự chỉ đạo hỗ trợ từ phía Chính phủ tới các bộ, ban, ngành và bản thân các ngân hàng thương mại, các công ty Fintech... Cụ thể, Chính phủ cần có định hướng, chỉ đạo các bộ, ngành chủ động nghiên cứu về công nghệ Blockchain và những ứng dụng khả thi của công nghệ này trong nhiều lĩnh vực khác nhau như dịch vụ tài chính, quản lý nhà đất, y tế, dịch vụ pháp lý…

 

Minh Phương (tổng hợp)
Ngân hàng tập huấn phòng chống rửa tiền, tuân thủ cấm vận và FATCA 2020
Ngân hàng tập huấn phòng chống rửa tiền, tuân thủ cấm vận và FATCA 2020

Với sự tham dự của hơn 200 học viên là lãnh đạo và cán bộ thuộc các đơn vị nghiệp vụ tại trụ sở chính và các chi nhánh khu vực miền Bắc và miền Trung, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) tổ chức Hội thảo tập huấn về phòng chống rửa tiền/chống tài trợ khủng bố, tuân thủ cấm vận và Đạo luật tuân thủ thuế đối với các tài khoản ở nước ngoài của Hoa Kỳ (FATCA) năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN