Bên cạnh đó, Cục Điều tra chống buôn lậu sẽ có tổng hợp đánh giá hiệu quả quá trình triển khai Điều 15 Nghị định 116/2013/NĐ-CP về khai báo, cung cấp thông tin về việc vận chuyển tiền mặt, kim loại quý, đá quý và công cụ chuyển nhượng qua biên giới và Điều 24 Luật PCRT về khai báo, cung cấp thông tin về vận chuyển tiền mặt, kim loại quý, đá quý qua biên giới; đánh giá đa phương của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về PCRT, chống tài trợ khủng bố đối với Việt Nam.
Theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Cục Điều tra chống buôn lậu tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục Hải quan hoàn thiện Báo cáo đánh giá về PCRT và chống tài trợ khủng bố theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo quốc gia về PCRT và chống tài trợ khủng bố (đầu mối là Ngân hàng Nhà nước). Đồng thời, phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vận chuyển trái phép tiền, ngoại tệ, kim loại quý qua các cửa khẩu trong địa bàn hải quan quản lý.
Đại diện Tổng cục Hải quan cho hay: Trong năm 2020, Tổng cục Hải quan tiếp tục quan tâm đến công tác đấu tranh PCRT và chống tài trợ khủng bố, kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, đảm bảo an toàn, an ninh Quốc gia. Phía Hải quan đã ban hành hàng loạt quyết định quan trọng về nghiệp vụ hải quan; tổ chức các lớp tập huấn PCRT và tội phạm khủng bố xuyên quốc gia có sự tham gia của chuyên gia quốc tế cho cán bộ công chức làm công tác kiểm soát hải quan tại cửa khẩu hàng không, đường biển…
Trong năm 2020, Cục Điều tra chống buôn lậu (ĐTCBL) đã tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục Hải quan ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác giám sát, quản lý hải quan PCRT, chống tài trợ khủng bố trong toàn ngành. “Trong bối cảnh năm 2020 chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng công tác kiểm soát hàng hóa nói chung và phòng chống các hành vi rửa tiền, vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ vẫn luôn được ngành Hải quan quan tâm. Đặc biệt, Tổng cục Hải quan đã chú trọng đầu tư, nâng cao hiệu quả hệ thống máy soi container hàng hóa và hành lý đối với khách xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu hàng không lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng”, đại diện Cục Điềi tra Chống buôn lậu nói.
Để đảm bảo công tác quản lý, kiểm soát hải quan, trong đó có hành vi rửa tiền và vận chuyển các phương tiện vũ khí trái phép, Tổng cục Hải quan đã ban hành hàng loạt quyết định quan trọng về nghiệp vụ hải quan; tổ chức các lớp tập huấn PCRT và tội phạm khủng bố xuyên Quốc gia có sự tham gia của chuyên gia quốc tế cho cán bộ công chức làm công tác kiểm soát hải quan tại cửa khẩu hàng không, đường biển…
Tổng cục Hải quan ban hành Quyết định 1471/QĐ-TCHQ về quy trình lựa chọn, kiểm tra hàng hóa bằng máy soi container; quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị để thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công tác quản lý, sử dụng và vận hành máy soi container; xây dựng giải pháp công nghệ thông tin để kết nối thông tin, dữ liệu từ máy soi container, hệ thống camera giám sát với hệ thống nghiệp vụ hải quan và ứng dụng công nghệ thông tin. Chỉ tính riêng trong quý III/2020, toàn ngành đã thực hiện soi chiếu tổng số 6.198 container, phát hiện nghi vấn vi phạm 31 container...
Bên cạnh việc nâng cao hiệu quả giám sát ở các khâu nghiệp vụ, công tác phát hiện xử lý vi phạm trong việc vận chuyển tiền, ngoại tệ, kim loại quý của ngành Hải quan trong những năm qua cũng thu được kết quả đáng ghi nhận. Trong năm qua, ngành Hải quan đã chủ trì và phối hợp phát hiện xử lý khá nhiều vụ vận chuyển tiền, ngoại tệ, kim loại quý từ cửa khẩu đường bộ và hàng không…
Điển hình vụ việc Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc - Cục ĐTCBL chủ trì và phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện vụ vận chuyển trái phép số lượng lớn USD, trên chuyến bay SU 29 có lộ trình từ Moscow (Nga) về sân bay quốc tế Nội Bài vào cuối năm 2019. Tang vật thu giữ gần 129.000 USD.