Chính vì vậy, mỗi ngân hàng cần phải triển khai một cách đồng bộ các biện pháp thể chế, nghiệp vụ trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các bên hữu quan mới có thể phòng, chống rửa tiền (PCRT) hiệu quả.
Theo Vietcombank, trong những năm gần đây, công tác PCRT, chống tài trợ khủng bố, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và tuân thủ cấm vận trở thành chủ đề “nóng”, được sự quan tâm của nhiều ngân hàng tại Việt Nam và thế giới.
Dưới góc độ là ngân hàng thương mại Nhà nước, để đảm bảo việc tuân thủ của toàn hệ thống, đáp ứng các quy định pháp luật hiện hành, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, Vietcombank đã cập nhật Chính sách phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và Chính sách cấm vận.
Theo đó, Phòng Phòng chống rửa tiền (PCRT) đã tổ chức 2 khóa tập huấn qua cầu truyền hình cho lãnh đạo các đơn vị, cán bộ trên toàn hệ thống ở cả ba tuyến “phòng thủ” với các nội dung chính như: Giới thiệu tổng quan về hoạt động PCRT và cấm vận; các quy định pháp luật hiện hành; cập nhật chính sách, quy định mới của Vietcombank về hoạt động PCRT, chống tài trợ khủng bố,chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và chính sách tuân thủ cấm vận.
Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia của hơn 3.000 cán bộ, lãnh đạo các phòng/ban/trung tâm tại trụ sở chính; đại diện Ban Giám đốc chi nhánh, các đầu mối về PCRT tại các đơn vị và các cán bộ thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền, tài sản của khách hàng trên toàn hệ thống Vietcombank.
Tại buổi tập huấn, ngoài các nội dung chính nêu trên, Phòng PCRT đã chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi những vấn đề nổi bật, các trường hợp cần chú ý trong công tác phòng, chống rửa tiền và tuân thủ cấm vận. Các học viên đã được cập nhật các thông tin mới nhất trong công tác phòng, chống rửa tiền và chính sách cấm vận của thế giới, Việt Nam và Vietcombank; hiểu rõ được vai trò, quyền lợi và trách nhiệm cũng như tính cấp thiết trong công tác tuân thủ. Ngoài ra, Phòng PCRT đã tiếp thu các ý kiến phản hồi của các đơn vị về những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai để nghiên cứu đưa ra hướng xử lý.
Trong năm 2020, bên cạnh các khóa tập huấn, đào tạo do Phòng PCRT phối hợp với Trường Đào tạo tổ chức, các đơn vị sẽ tiến hành việc tự đào tạo nhằm phổ biến tới từng cán bộ các quy định, chính sách để có thể triển khai hiệu quả vào công việc hàng ngày, góp phần nâng cao hiệu quả tuân thủ PCRT, chống tài trợ khủng bố và cấm vận của Vietcombank.
Theo Thông tư số 22/2009/TT-NHNN hướng dẫn các tổ chức tín dụng (TCTD) Nhà nước, tín dụng cổ phần, tín dụng hợp tác, tín dụng liên doanh, tín dụng 100% vốn nước ngoài… thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam trong các giao dịch tiền tệ hay tài sản khác.
Theo đó, NHNN quy định các TCTD phải xây dựng và ban hành quy chế nội bộ về PCRT với nội dung phù hợp với cơ cấu tổ chức, quy mô hoạt động và mức rủi ro về rửa tiền trong các hoạt động. Cụ thể như các chính sách chấp nhận khách hàng; quy trình, thủ tục nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng; quy định về những giao dịch phải báo cáo; quy trình rà soát, phát hiện, xử lý và báo cáo giao dịch đáng ngờ; quy định về lưu giữ và bảo mật thông tin; quy định về sự hợp tác với các cơ quan thi hành pháp luật trong công tác phòng, chống rửa tiền và trách nhiệm báo cáo, cung cấp thông tin cho Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền…
Thông tư cũng nêu rõ các trường hợp, nội dung, biện pháp phải nhận biết khách hàng để bảo đảm sự hiểu biết đầy đủ về khách hàng trong suốt thời gian thiết lập mối quan hệ với khách hàng, từ đó tổ chức báo cáo tự phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền (cao, trung bình, thấp).
Các giao dịch tiền mặt thông thường có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên và giao dịch tiền gửi tiết kiệm có tổng giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên do một khách hàng là cá nhân thực hiện sẽ không phải báo cáo số dư trên tài khoản tiền gửi và tiền gửi tiết kiệm của khách hàng.
Trường hợp khách hàng nộp ngoại tệ tiền mặt để mua đồng Việt Nam bằng tiền mặt hoặc nộp tiền mặt đồng Việt Nam để mua ngoại tệ tiền mặt thì chỉ báo cáo giao dịch nộp hoặc rút tiền mặt. Trường hợp khách hàng nộp tiền mặt vào tài khoản của người khác hoặc nộp tiền mặt để chuyển tiền (trường hợp khách hàng không có tài khoản), tổ chức báo cáo phải yêu cầu khách hàng xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn hạn sử dụng hoặc các giấy tờ khác có ảnh do cơ quan có thẩm quyền cấp, đáng tin cậy và lưu lại họ, tên, địa chỉ, số điện thoại…và bản sao các tài liệu này.
Tổ chức báo cáo phải rà soát, sàng lọc các giao dịch tiền mặt có giá trị lớn để phát hiện các giao dịch đáng ngờ. Ngoài các dấu hiệu giao dịch đáng ngờ được quy định, các Tổ chức báo cáo cần xem xét các giao dịch đáng ngờ như: số điện thoại cá nhân hoặc cơ quan của khách hàng không thể kết nối được hoặc không có số máy này sau khi mở tài khoản hoặc thực hiện giao dịch. Khách hàng thường xuyên đổi tiền có mệnh giá nhỏ sang mệnh giá lớn với tổng giá trị một lần đổi từ 200 triệu đồng trở lên. Giao dịch gửi tiền, rút tiền hay chuyển tiền được thực hiện bởi một cá nhân hay tổ chức liên quan đến hoạt động bất hợp pháp mà thông tin đại chúng đã đăng tải…