Vì sao ngày càng nhiều phụ nữ tham gia tấn công khủng bố ở Indonesia

Ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia các cuộc tấn công cực đoan tại Indonesia. Các nhà quan sát cho rằng tình trạng này phản ánh sự ảnh hưởng của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Chú thích ảnh
Lực lượng an ninh bảo vệ cổng vào trụ sở Cảnh sát Quốc gia Indonesia sau vụ tấn công do Aini thực hiện. Ảnh: AFP

Kênh Al Jazeera lấy một ví dụ là vào cuối tháng 3 vừa qua, cô Zakiah Aini (25 tuổi) đã đến Trụ sở Cảng sát Quốc gia Indonesia tại Jakarta rồi nổ súng. Aini đã bị bắn hạ tại chỗ. Ban đầu truyền thông đưa tin kẻ xâm nhập là một người đàn ông nhưng trên thực tế đó lại là một cô gái trẻ.

Nhưng đây không phải trường hợp thiểu số, trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều phụ nữ Indonesia tham gia các cuộc tấn công bạo lực trên khắp "quốc gia vạn đảo". Đặc biệt sau khi những kẻ từng được IS đào tạo tại Syria quay trở lại Indonesia và những nhóm có dính líu đến IS như Jamaah Ansharut Daulah (JAD) được thành lập.

Trước khi vụ việc của Aini xảy ra, một nhà thờ tại Makassar, Sulawesi bị tấn công ngay trước ngày Lễ Phục sinh bởi một cặp đôi mới kết hôn được 7 tháng. Năm 2018, một nhà thờ trên đảo Java cũng bị tấn công bởi một cặp vợ chồng khác. Tất cả những nữ thủ phạm trong các vụ việc này đều được cho có liên quan đến Jamaah Ansharut Daulah (JAD) - còn được mệnh danh là “IS Đông Nam Á”.

Chú thích ảnh
Cảnh sát Indonesia đưa thi thể kẻ tấn công ra khỏi hiện trường vụ nổ ở nhà thờ tại Makassar năm 2018. Ảnh: Al Jazeera

Bà Judith Jacob tại Trường Kinh tế London (Anh) nhận định: “Những phụ nữ này chủ động muốn tham gia và luôn là một bộ phận không thể thiếu của phiến quân Hồi giáo tại Indonesia. Sự khác biệt hiện nay là họ chuyển sang vai trò ở tiền tuyến”.

Một cựu thành viên giấu tên của JAD đã tiết lộ với Al Jazeera rằng IS chấp thuận để phụ nữ tham gia vào các cuộc tấn công ở tuyến đầu mới mục đích truyền bá ý tưởng rằng ngay cả nữ giới cũng sẵn sàng hy sinh cuộc sống của họ thì nam giới cũng nên noi gương.

Cảnh sát trưởng quốc gia Indonesia Listyo Sigit Prabowo cho biết Aini là “con sói cô đơn” - một kẻ tấn công độc lập. Cô từng đăng ảnh cờ của IS lên mạng xã hội Instagram trước khi thực hiện cuộc tấn công. Cô còn mua vũ khí từ một người đàn ông tại tỉnh Aceh vốn là thành viên của JAD và từng bị kết tội khủng bố.

Ông Noor Huda Ismail, người thành lập Viện Xây dựng Hòa bình Quốc tế nhận định rằng mạng xã hội đang đóng vai trò đặc biệt trong việc phụ nữ tham gia vào bạo lực trực tiếp. Cũng theo ông Noor Huda Ismail, không có lý do riêng khiến phụ nữ tham gia vào khủng bố mà phần lớn họ bị kích động bởi nguyên nhân về mặt tình cảm và đời tư. Điều này bao gồm sự trả thù, chuộc lỗi hoặc yếu tố mối quan hệ.

Ông Noor Huda Ismail bổ sung: “Cần có thêm nghiên cứu để nhận diện nguyên nhân khiến phụ nữ tham gia vào bạo lực. Chính phủ cần hợp tác chặt chẽ với các hiệp hội dân sự và lĩnh vực tư nhân”.

Lực lượng chức năng địa phương cũng tăng cường an ninh khắp Indonesia kể từ vụ đánh bom vào tháng 3 tại Makassar cũng như vụ tấn công ở Jakarta trước nghi ngờ Aini đã xâm nhập trụ sở Cảnh sát Quốc gia một cách dễ dàng bởi cô là phụ nữ. Kể từ đầu năm 2021, lực lượng chống khủng bố Densus 88 của Indonesia đã thực hiện hàng chục chiến dịch khắp Indonesia và bắt hơn 100 nghi phạm.

Hà Linh/Báo Tin tức
Người đàn ông nhận mũi vaccine Pfizer đầu tiên trên thế giới đã qua đời, không vì COVID-19
Người đàn ông nhận mũi vaccine Pfizer đầu tiên trên thế giới đã qua đời, không vì COVID-19

Cụ ông 81 tuổi ở Anh, người làm nên lịch sử khi trở thành người đàn ông đầu tiên được tiêm vaccine COVID-19 trên thế giới, đã qua đời nhưng vì căn bệnh không liên quan COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN