Ukraine đang chi 130 tỷ hryvnia (3,5 tỷ USD) mỗi tháng cho quân đội, Bộ trưởng Tài chính Sergey Marchenko tiết lộ.
Theo đài RT, trong một cuộc họp với Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EBA) vào ngày 29/3, Bộ trưởng Marchenko cũng tiết lộ rằng ngân sách của Ukraine nhận được 80 tỷ hryvnia doanh thu (gần 2,2 tỷ USD) hàng tháng.
“Nhiệm vụ chính là tạo điều kiện để cấp tài chính cho quân đội", ông Marchenko cho biết trong khi tiết lộ các con số/
Tuần trước, Quốc hội Ukraine (Verkhovnaya Rada) đã thông qua luật tăng chi tiêu ngân sách cho quốc phòng thêm hơn 14,6 tỷ USD. Thủ tướng Ukraine Denis Shmygal trước đó thông báo rằng Nội các đã đề xuất phân bổ ngân sách bổ sung để thanh toán cho quân đội, cũng như mua các thiết bị quân sự và đặc biệt.
Theo ông Shmygal, số tiền này sẽ được phân bổ thông qua sự hỗ trợ của các đối tác phương Tây.
Khi phê duyệt dự thảo ngân sách năm 2023 vào tháng 11 năm ngoái, Quốc hội Ukraine đã dành hơn một nghìn tỷ hryvnia (31 tỷ USD) cho các lực lượng vũ trang và an ninh quốc gia, chiếm 43% tổng chi tiêu ngân sách, tương đương 18,2% GDP của đất nước.
Thâm hụt ngân sách của Ukraine trong năm nay dự kiến sẽ ở mức kỷ lục 38 tỷ USD. Chính phủ có kế hoạch trang trải thâm hụt bằng cách sử dụng viện trợ nước ngoài của phương Tây.
Tháng trước, Mỹ đã công bố viện trợ bổ sung 12 tỷ USD cho Kiev, bao gồm gói vũ khí trị giá 2 tỷ USD và 10 tỷ USD nữa để hỗ trợ chi phí năng lượng và ngân sách của chính phủ Ukraine. Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, Washington đã hỗ trợ cho Kiev gần 50 tỷ USD kể từ năm ngoái, phần lớn trong số đó dành cho vũ khí.
Trong chuyến thăm Ukraine vào cuối tháng 2, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã gặp Tổng thống Zelensky và các quan chức hàng đầu khác, cam kết hỗ trợ vô thời hạn cho Kiev bất chấp nền kinh tế Mỹ đang xuống dốc và khoản nợ chính phủ hàng nghìn tỷ USD. Bà Yellen nói rằng bà muốn nhấn mạnh “mối quan hệ đối tác chặt chẽ của Nhà Trắng trong việc cung cấp hỗ trợ kinh tế và ngân sách” cho Kiev.
“Sự hỗ trợ của chúng tôi không phải là ‘từ thiện, mà là một khoản đầu tư vào an ninh và dân chủ toàn cầu", đài RT dẫn lời bà Yellen nhắc lại lời của chính Tổng thống Zelensky với các nhà lập pháp Mỹ trong chuyến đi của ông tới Washington, DC vào tháng 12 năm ngoái. Quan chức này nói thêm rằng sự hỗ trợ của Mỹ sẽ tiếp tục “chừng nào còn cần thiết” trong bối cảnh xung đột với Nga.
Tuy nhiên, bất chấp sự ủng hộ mạnh mẽ của bà đối với sự hào phóng của Mỹ dành cho Kiev, Bộ trưởng Tài chính Yellen cũng lưu ý những khó khăn kinh tế ở Mỹ, Bà nói với CNN rằng lạm phát vẫn “quá cao” trong khi chỉ ra khoản nợ khổng lồ mà chính phủ Mỹ đang nắm giữ. Với việc gần đạt đến giới hạn nợ 31,4 nghìn tỷ USD, Bộ trưởng Yellen cho biết Bộ Tài chính đã buộc phải thực hiện “các biện pháp đặc biệt” để tránh vỡ nợ thảm khốc, mà trong trường hợp xấu nhất, có thể có nghĩa là các khoản thanh toán phúc lợi bị đình chỉ với người Mỹ và sự hỗn loạn ở các thị trường tài chính.
Cũng trong tháng 2, Liên minh châu Âu đã thông qua khoản viện trợ quân sự mới trị giá 545 triệu euro (590 triệu USD) cho Ukraine, nâng tổng số tiền viện trợ cho các lực lượng của Kiev lên 3,6 tỷ euro (3,8 tỷ USD). Kể từ khi bắt đầu xung đột, EU và các quốc gia thành viên được cho là đã hỗ trợ trực tiếp 50 tỷ euro (54 tỷ USD) cho Ukraine.