Những chiếc M-1A1 là xe tăng cũ của quân đội Mỹ mà họ đã cho ngừng phục vụ bắt đầu từ năm 2019. Mặc dù thiếu khả năng quan sát hiện đại, vốn là tính năng chính của M-1A2, hệ thống tăng cường hỏa lực của M-1A1 mà quân đội Mỹ tích hợp vào xe tăng này sẽ thực sự hữu ích đối với các lực lượng Ukraine với một thiết bị đặc biệt: máy định vị mục tiêu xa FTL.
Chỉ cần nhấn nút, thiết bị định vị mục tiêu của M-1A1 sẽ tính toán tọa độ GPS của mục tiêu ở khoảng cách lên tới 8.000 mét. Kíp lái xe tăng có thể chuyển tọa độ của mục tiêu cho các khẩu đội pháo, sau đó những khẩu đội này có thể tấn công mục tiêu bằng đạn pháo. Những thao tác này chỉ diễn ra trong khoảng vài phút.
Theo cách đó, xe tăng hoạt động như một hệ thống quan sát phía trước - phát hiện các mục tiêu quá xa mà xe tăng khó có thể bắn trúng, nhưng lại nằm trong tầm bắn của các khẩu đội pháo.
Thiết bị định vị mục tiêu hoạt động như sau: xạ thủ phát hiện mục tiêu thông qua hệ thống quang học tầm xa, chiếu tia laser vào mục tiêu để xác định cự ly và phạm vi của mục tiêu, sau đó kích hoạt FTL. FTL cũng sẽ giúp định vị vị trí xe tăng nhờ thiết bị GPS. Tọa độ GPS của mục tiêu sẽ được tính toán thông qua dữ liệu phạm vi từ laser và định hướng từ la bàn.
Ngày nay, một loạt các hệ thống quân sự của Mỹ được trang bị FTL, ngay cả các đơn vị tên lửa chống tăng vác vai Javelin. Quân đội Mỹ ban đầu đã tích hợp FTL vào một số xe tăng thuộc các đơn vị chiến đấu ở Iraq và yêu cầu họ phản hồi. Các kíp thủ đã thực sự đánh giá cao về FTL.
“Khả năng xác định vị trí và khả năng xác định phạm vi mục tiêu được coi là rất hữu ích. Nó có giá trị trong các nhiệm vụ tấn công và nhận thức tình hình”, Đại úy Thủy quân lục chiến Mỹ CS Roos nói.
Với thiết bị định vị trên, những chiếc M-1A1 được chuyển giao của quân đội Ukraine sẽ không chỉ cải thiện khả năng tác chiến của lực lượng xe tăng mà còn giúp cải thiện năng lực pháo binh của họ.