Ý ĐỒ "DÂN SỰ HÓA CHỦ QUYỀN"
Phú Lâm là một ốc đảo nhiệt đới, diện tích vào khoảng 2km2, chỉ ngang với một nửa Công viên Trung tâm Manhattan (Mỹ). Đây là đảo lớn nhất trên quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép kể từ năm 1974. Đầu những năm 1980, có rất ít dân Trung Quốc sinh sống tại đây, do điều kiện sống gặp nhiều khó khăn, chủ yếu phải sống trong những ngôi nhà tranh, không có cơ sở vật chất bổ trợ. Thế nhưng chỉ trong vài năm trở lại đây, Bắc Kinh đã lập quy hoạch, tiến hành xây dựng quy mô lớn các cấu trúc phi quân sự trên đảo, nhằm biến Phú Lâm thành thành nơi “cuốn hút, mời gọi” đối với dân Trung Quốc ra sinh sống.
"Thành phố Tam Sa" Trung Quốc xây dựng trái phép trên đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh: FP |
Bước đầu tiên là thiết lập “đơn vị hành chính” để “hợp thức hóa” cái gọi là “quản lý lãnh thổ”. Ngày 24/7/2012, Tân Hoa xã đưa tin Bắc Kinh tổ chức “lễ thành lập thành phố Tam Sa” tại Phú Lâm, theo quyết định của Quốc vụ Viện nhằm “tuyên bố với thế giới rằng Trung Quốc có chủ quyền ở khu vực này”. Truyền thông Nhà nước Trung Quốc sau đó còn ngang nhiên nói rằng, việc nâng cấp “Tam Sa” lên thành phố nằm dưới sự điều hành trực tiếp của chính quyền Trung ương là để phục vụ “quản lý 2 triệu km2 các vùng ven biển và lãnh hải ở biển Đông”.
Tại Phú Lâm, hiện có khoảng 1.000 người gồm cả binh lính và dân thường sinh sống, tập trung chủ yếu ở “Tam Sa”. Báo chí Trung Quốc mô tả, cuộc sống ở “Tam Sa” không thua kém những nơi khác: cư dân nhâm nhi cà phê trong quán và đọc sách dưới tán cọ tràn ngập ánh mặt trời, hoặc tản bộ, chơi thể thao, cầu lông tại những sân chơi mới xây; buổi tối thì tụ tập ở những quán hàng ăn, thưởng thức đồ uống… Dân tại đây giờ có thể đi ăn nhà hàng, đến thưởng trà tại quán, với đầy đủ các dịch vụ về gửi nhận bưu phẩm, điều trị bệnh, thanh toán thẻ ATM khi mua sắm quần áo, vật dụng cần thiết. “Thành phố Tam Sa” giờ cũng có Đài truyền hình riêng mang tên “Tam Sa TV”.
Tháng 12/2015, chính quyền Trung Quốc đã mở cửa một trường học. Những ngôi nhà khang trang xuất hiện ngày một nhiều hai bên tuyến “Đường Bắc Kinh” dọc trên đảo. Lắp đặt các hệ thống cung cấp nước ngọt được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu. Tuyến đường ống dẫn nước cùng với trạm xử lý biến nước biển thành nước ngọt đang được gấp rút hoàn tất, với công suất 1.000m3/ngày. Đường cáp quang chạy ngầm dưới biển đang được xây dựng, cùng với đó là dịch vụ Wi-Fi phủ kín đảo.
Chính quyền Bắc Kinh cũng mời gọi đầu tư tư nhân nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, cấu trúc dân sự trên nhiều khu vực khác. Đá Chữ Thập ở Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam - một trong những “đảo nhân tạo” mà Trung Quốc vừa bồi đắp, xây dựng trái phép, là địa điểm được ưu tiên phát triển mạnh hàng thứ hai sau “Tam Sa”. Các dự án trong tương lai có thể sẽ bao gồm dịch vụ bay định kỳ (sau khi đã hoàn tất đường băng dài gần 3.000m tại đây), xây mới các âu tàu và cả một trung tâm cứu hộ hàng hải. Trạm xử lý nước biển thành nước ngọt cũng cùng với hệ thống tích trữ nước mưa cũng đã được lắp đặt ở Chữ Thập, nơi có khoảng 200 lính đang đồn trú.
Giới phân tích nhận định, hoạt động dân sự hóa này chỉ là một mức “giá hời”, không gây phản ứng mạnh như hành động “quân sự hóa”, nhưng cũng là cách để Bắc Kinh dấn thêm một bước trong các yêu sách ngang ngược về chủ quyền. Đối với quốc tế, sự xuất hiện của các cơ sở hạ tầng dân sự trên những đảo mà Trung Quốc chiếm đóng, xây dựng trái phép là cách để “chứng minh” những địa khu vực này hội đủ yếu tố về “điều kiện kinh tế riêng” để từ đó đòi yêu sách về chủ quyền. “Nếu không thể duy trì đối với ‘đời sống cư ngụ’ của con người thì các đảo này không thể có quy chế về vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý theo các điều khoản tại Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982”, Bill Hayton, nhà nghiên cứu tại Viện Hoàng gia các vấn đề quốc tế (Anh) và là tác giả cuốn “Biển Đông: cuộc tranh giành quyền lực ở châu Á”, bình luận.
Ngay cả khi những đòi hỏi chủ quyền này còn mơ hồ và không được chấp nhận, thì hành vi “dân sự hóa” này cũng phục vụ các mục đích khác, đó là “kiểm soát thực tế” ở Biển Đông, kích thích “tư tưởng dân tộc” đối với với tham vọng chủ quyền. Tạ Mỹ Yến (Yanmei Xie), chuyên gia phân tích cấp cao về Trung Quốc tại tổ chức Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG) nhìn nhận, “Trung Quốc muốn chứng tỏ khả năng kiểm soát hiệu quả để từ đó tăng tính chính danh của chính quyền trước dư luận trong nước”. Theo bà, khác với bước thiết lập hiện diện quân sự vốn gây ra nhiều tranh cãi, xây dựng các cấu trúc, công trình dân sự kết hợp với di dân ra đảo là cách thức “ít tốn kém” để Bắc Kinh chứng minh “chủ quyền”, củng cố “kiểm soát thực tế”, tìm kiếm ủng hộ của dân chúng.
Binh sĩ, tàu chiến, cứ điểm quân sự là những công cụ thường được các quốc gia viện tới trong vấn đề chủ quyền. Thế nhưng Bắc Kinh có thể đang dùng một vũ khí mới để hiện thực hóa tham vọng chủ quyền ở Biển Đông - đó là sân bóng đá, cầu lông, đường ống dẫn nước, cửa hiệu… phục vụ đời sống dân sinh, tờ Foreign Policy (Mỹ) bình luận.
Xem kì 1: Tăng cường hiện diện quân sự