KỲ 1: TĂNG CƯỜNG HIỆN DIỆN QUÂN SỰ
Kế hoạch thiết lập sức mạnh quân sự ở Biển Đông được Bắc Kinh đẩy nhanh từ 3 năm trước, với một loạt các bước đi xây dựng, tăng cường vũ trang các cứ điểm cách xa đất liền, bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế. Nỗ lực trị giá nhiều tỉ USD này (cải tạo, bồi đắp trái phép các đảo, đá, thiết lập các hệ thống vũ khí) gây gia tăng căng thẳng tại khu vực, thách thức trật tự quân sự thực tế ở Tây Thái Bình Dương được hình thành kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Tựu trung lại, Bắc Kinh muốn tiến gần đến mục tiêu thiết lập một vùng đệm an ninh vượt khỏi giới hạn bó hẹp bờ biển đại lục, ganh đua sức mạnh với Mỹ trên các đại dương, trước hết là ở Thái Bình Dương.
Hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại Đá Vành Khăn - một trong những "đảo nhân tạo" mà Trung Quốc đã xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuters-TTXVN |
“Trung Quốc muốn biến (Biển Đông) thành hồ tắm. Họ muốn vùng biển này là của riêng mình, để có thể tiến hành các hoạt động quân sự và tuần tra tàu thuyền qua lại mà không phải lo lắng đến sự hiện diện hải quân các nước tại khu vực và Mỹ”, Marc Lanteigne, chuyên gia cao cấp tại Viện các vấn đề Quốc tế Na Uy nhìn nhận. Một báo cáo mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) theo đơn đặt hàng từ Quốc hội Mỹ cũng khẳng định, Bắc Kinh muốn hoàn tất kế hoạch biến Biển Đông thành “ao nhà” vào năm 2030. Điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện hồi tháng 2/2016, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, Đô đốc Harris Jr, nói rằng những hành động gần đây của Trung Quốc đã làm thay đổi “bối cảnh tác chiến ở Biển Đông”, tạo lập thế bá chủ ở Đông Á. Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James R. Clapper thì dự báo Trung Quốc sẽ sớm đạt tới khả năng phóng tầm sức mạnh quân sự áp đảo tại khu vực chỉ trong 1-2 năm tới.
Tiến trình quân sự hóa được thực hiện dưới nhiều hình thức, bằng các bước đi tuần tự. Đó là việc bồi đắp, xây dựng “đảo nhân tạo” trái phép trên nền các cấu trúc đá, rạn san hô ở Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, khởi đầu từ đầu năm 2014 và gia tăng đột biến trong quãng thời gian hơn một năm qua. Gần như đồng thời, Trung Quốc cho cải tạo, nâng cấp, xây mới nhiều cảng nước sâu, cầu tàu, đường băng phục vụ cho việc đậu đỗ, đồn trú của tàu chiến, máy bay. Mới nhất là việc triển khai các hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 ở đảo Phú Lâm, trên quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Ảnh chụp vệ tinh còn cho thấy, quân đội Trung Quốc cũng đã triển khai trạm radar quan sát cao tần ở đá Châu Viên, Trường Sa, một trong 7 “đảo nhân tạo” mà Trung Quốc vừa hoàn tất, có tầm bao quát hàng trăm km, vươn tới cả eo biển Malacca.
Hoạt động cải tạo, gia cố mới này có thể chưa gây ra đe dọa lớn đối với Washington, khi quân đội Mỹ dư sức thổi bay các cứ điểm này một khi nổ ra xung đột tức thời. Thế nhưng mối nguy nằm ở chỗ, nếu bước đi “quân sự hóa” này không bị kiềm tỏa, Trung Quốc sẽ lấn tới bước hiện thực hóa kiểm soát đối với cả một vùng biển có diện tích ngang với Mexico, cùng với đó là sự áp đảo quân sự tuyệt đối trước các nước, bên có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, tiềm ẩn nguy cơ chạy đua vũ trang và bùng phát xung đột tại khu vực.
Giới phân tích nhận định, kế hoạch xây dựng, quân sự hóa Biển Đông chưa tới bước cuối cùng. Không dừng lại ở Phú Lâm hay Hoàng Sa, Bắc Kinh có thể sẽ đưa chiến đấu cơ, tên lửa đất đối không, hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển, tàu chiến và tàu hải cảnh cỡ lớn ra đóng cứ, đồn trú tại các “đảo nhân tạo” vừa được xây mới. Giới chức quân sự Mỹ lo ngại, rất có thể Trung Quốc sẽ cho xây dựng các trạm cung cấp xăng, nhiên liệu cỡ lớn tại các chốt quân sự này. Về mặt chiến lược, các hệ thống phức hợp này cho phép Bắc Kinh đạt tới ngưỡng chống “phong tỏa, tiếp cận khu vực” (A2AD), có khả năng phong tỏa, kiềm chế lực lượng quân sự Mỹ ở Biển Đông, gây khó khăn cho Lầu Năm góc trong việc trợ giúp các đồng minh tại khu vực, ví như Philippines. Xét dưới góc độ kĩ thuật, những “cứ điểm” quân sự trên biển này giúp tàu chiến, máy bay của Trung Quốc gia tăng tầm hoạt động ở Trường Sa, tác chiến với thời gian lâu hơn, nhờ không phải quay về đất liền để tiếp liệu, tiếp tế hậu cần - chuyên gia Gregory B.Poling thuộc CSIS bình luận.