Mỹ hối Trung Quốc cam kết phi quân sự hóa toàn bộ Biển Đông

Ngày 26/2, Mỹ đã hối thúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mở rộng cam kết phi quân sự hóa ra phạm vi toàn bộ Biển Đông, chứ không chỉ ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (giữa), Ngoại trưởng John Kerry (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (phải) sau cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia ở thủ đô Washington, DC ngày 25/2. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, phát biểu trong một cuộc hội thảo tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, cố vấn hàng đầu của Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông Dan Kritenbrink nêu rõ: “Chúng tôi cho rằng thật tốt nếu Chủ tịch Tập Cận Bình mở rộng cam kết phi quân sự hóa đối với toàn bộ Biển Đông. Chúng tôi khuyến khích Trung Quốc và các quốc gia khác trong khu vực không có những bước đi làm leo thang căng thẳng”. Ông Kritenbrink cũng nhấn mạnh việc Trung Quốc nên tôn trọng phán quyết dự kiến được Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Haye (Hà Lan) đưa ra vào cuối năm nay liên quan tới vụ tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông.

Lời kêu gọi trên được ông Kritenbrink đưa ra một tuần sau khi Mỹ bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc triển khai tên lửa, máy bay chiến đấu và radar trên các đảo tại vùng biển chiến lược này.

Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ hồi tháng 9/2015, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết không quân sự hóa quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, từ đó tới nay, giới chức Mỹ cho biết họ đã nhận thấy các ý định quân sự trong việc Trung Quốc xây dựng các đường băng và bố trí hệ thống radar tại khu vực này.

Ngày 25/2, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, người phát ngôn Lê Hải Bình nhấn mạnh: "Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi. Bất chấp sự phản đối và quan ngại của Việt Nam cũng như của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục có các hành động không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, thúc đẩy quân sự hóa ở Biển Đông mà còn đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực và an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông". Ông Lê Hải Bình khẳng định: "Chúng tôi kiên quyết phản đối những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc có những lời nói, hành động trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.

TTXVN/Tin Tức
Nhật Bản, Australia, Ấn Độ quan ngại về căng thẳng ở Biển Đông
Nhật Bản, Australia, Ấn Độ quan ngại về căng thẳng ở Biển Đông

Ngày 26/2, các quan chức ngoại giao cấp cao của Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đã nhất trí về tầm quan trọng của việc duy trì luật pháp ở Biển Đông, đồng thời cùng chia sẻ “quan ngại sâu sắc” về những căng thẳng ở khu vực này trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng các hành động quyết đoán trên biển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN