Việc làm này của Trung Quốc đã bị Việt Nam, cũng như dư luận nhiều nước Đông Nam Á và trên thế giới lên án, phê phán mạnh mẽ.
Công luận và các nhà phân tích thời cuộc thông thạo đã chỉ thẳng ra những mục đích nham hiểm của Trung Quốc trong việc làm này:
1. Đây là một sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; làm trái với những thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc mà theo đó hai bên đã thống nhất phải coi trọng đại cục; cùng kiềm chế không làm bất cứ việc gì để tình hình căng thẳng hơn ở Biển Đông; nếu có bất đồng xuất hiện hai bên sẽ ngồi lại cùng nhau giải quyết bằng biện pháp đối thoại để giữ gìn hòa bình và sự ổn định ở khu vực này.
Bức ảnh do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) chụp hôm 8/9/2015, cho thấy hoạt động xây dựng bất hợp pháp của Trung Quốc tại Đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. |
2. Vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đạt được giữa các nước trong khối ASEAN với Trung Quốc và gây thêm khó khăn cho ASEAN và Trung Quốc thảo luận để đi tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), vì đây là những văn kiện hết sức quan trọng để giữ cho tình hình ở Biển Đông không phức tạp và căng thẳng thêm.
3. Là hành động xâm phạm, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sự an toàn của vùng trời, đường hàng không và hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông. Khi Trung Quốc đưa máy bay ra đá Chữ Thập thì họ nói là để "thử nghiệm máy bay dân sự" (!?). Nhưng có nhà bình luận lại đặt câu hỏi liệu đây có phải là một bước để Trung Quốc tiến tới thử nghiệm cả máy bay quân sự không? Có phải đây là một gọng kìm trong hai gọng kìm hải quân và không quân mà Trung Quốc muốn sử dụng để kẹp Biển Đông không?. Vì gọng kìm hải quân đã được Trung Quốc triển khai bằng sáng kiến "Một vành đai, một con đường" (Vành đai kinh tế con đường tơ lụa - SREB và con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 - MSR).
4. Là một sự tập dượt và chuẩn bị cho '"một việc làm đã rồi" mà Trung Quốc vốn có nhiều kinh nghiệm nhưng được ngụy trang dưới cách gọi là "trạng thái bình thường mới" ở Biển Đông. Nếu "trạng thái bình thường mới" này diễn ra liên tục lại vấp phải sự phản đối của Việt Nam, các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế thì liệu Trung Quốc có tuyên bố thiết lập "Vùng nhận dạng phòng không" (ADIZ) ở Biển Đông như họ đã làm ở vùng biển Hoa Đông không?
5. Là một kiểu làm khiến người ta dễ lơ là mất cảnh giác, lúc ấy Trung Quốc mới trắng trợn cướp không các hòn đảo và bãi đá ngầm mà họ đã bồi đắp trái phép như nói trên ở Biển Đông để biến thành các căn cứ quân sự, các trạm ra-da, các điểm tiếp dầu và cơ sở hậu cần, vừa gây thêm khó khăn cho việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, vừa đe dọa trực tiếp con đường hàng hải quốc tế từ châu Âu và Ấn Độ Dương sang châu Á và Thái Bình Dương.
6. Là hành động mập mờ nhưng có mục đích được tiến hành vào đúng thời điểm Quốc hội Trung Quốc vừa đưa ra "Luật Chống khủng bố", theo đó quân đội Trung Quốc được phép can thiệp vào nhiều nơi ở nước ngoài với cái cớ là "chống khủng bố" nếu như có đồng minh nào của Trung Quốc ở nước ngoài yêu cầu. Sự mập mờ và bộ luật nói trên của Trung Quốc càng làm cho người ta lo ngại khi Trung Quốc tiến hành đồng thời việc "tái cấu trúc lại quân đội''. Phải chăng đây là những bước Trung Quốc chuẩn bị xa hơn cho sự can thiệp vào nhiều nơi trên thế giới khi mà họ trở thành một cường quốc hùng mạnh sau 30 năm cải cách mở của và ''trỗi dậy'' về mọi mặt?
Tuy nhiên, tham vọng của Trung Quốc thì lớn nhưng dư luận và hành động của nhân dân ở Đông Nam Á và thế giới cũng không nhỏ. Họ không dễ dàng cho phép Trung Quốc muốn làm gì thì làm. Hơn nữa, những người đứng đầu và giới tinh hoa của Trung Quốc chắc cũng có đủ trí tuệ để cân nhắc kỹ những việc gì nên làm và nên tránh, việc gì có lợi hay có hại cho sự nghiệp hòa bình và ổn định của khu vực quan trọng này của thế giới, và cho cả bản thân đất nước Trung Quốc.