Một nhóm nhà khoa học quốc tế đã sử dụng vệ tinh và quan sát thực địa để kết luận rằng các sông băng đã tan chảy nhiều đến thế nào trong nửa thế kỷ qua. Báo cáo của họ đã được đăng trên tạp chí Nature ngày 8/4.
Con số đáng báo động trên đồng nghĩa với việc hành tinh của chúng ta đang mất đi trung bình 335 tỷ tấn băng mỗi năm.
“Hay nói cách khác, mỗi năm chúng ta mất đi gần gấp ba lần tất cả lượng băng trên dãy Alps của châu Âu, và điều này đóng góp cho khoảng 30% tình trạng nước biển dâng hiện nay”, ông Michael Zemp, Giám đốc Trung tâm giám sát sông băng thế giới tại Đại học Zurich (Đức) kiêm trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.
Alaska là khu vực tan băng nhiều nhất, trong khi Bắc cực là vùng ấm lên nhanh nhất trên Trái đất, tốc độ gấp 2 – 3 lần so với những vùng khác. Sông băng Mendenhall nổi tiếng của Alaska đang dần biến mất. Năm 1850, tại đây có khoảng 150 sông băng với kích cỡ tương đương Công viên sông băng quốc gia. Thế nhưng, hiện nay chỉ còn sót lại 26 sông băng lớn.
Xem video toàn cảnh sông băng Mendenhall biến mất theo thời gian (nguồn: Mashable):
Nhìn chung, 9.000 tỷ tấn băng tan đã làm nước biển dâng 27 mm trong 55 năm qua. Tuy nhiên, mực nước biển dâng không chỉ vì băng tan. Các đại dương đang hấp thụ một lượng nhiệt lớn và có xu hướng mở rộng. Cụ thể, các đại dương hấp thụ hơn 90% nhiệt lượng bị giữ lại do hiện tượng khí thải nhà kính.
Hơn nữa, tốc độ tan chảy dự kiến sẽ còn tăng khi tình trạng ấm lên toàn cầu đang gia tăng nhanh chóng - bị nung nóng bởi mức carbon dioxide trong khí quyển cao kỷ lục trong hàng triệu năm.
Nguyên nhân dẫn đến sự biến đổi diện rộng trên Trái đất hiện nay không phải do thời tiết, sự biến đổi tự nhiên, núi lửa hoặc các yếu tố khí hậu khác mà các nhà khoa học khí hậu đã xem xét trong nhiều thập kỷ.
“Chúng ta đều biết nó do tình trạng ấm lên toàn cầu và khí thải nhà kính của con người gây ra”, nhà hải dương học Josh Willis tại Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) chia sẻ với Mashable.