Trong thời gian vài tuần, những cây anh đào trên khắp xứ sở "Mặt trời mọc" nở rộ, tô điểm đất nước trong sắc hồng và trắng tinh khiết. Mùa hoa anh đào thậm chí đã vượt ra ngoài lãnh thổ Nhật Bản với sức hấp dẫn toàn cầu ngày càng lớn, và đó là một khoảng thời gian "màu nhiệm" với nền kinh tế Nhật Bản.
Hãng tin Bloomberg dẫn một phân tích từ Đại học Kansai ước tính có khoảng 63 triệu khách nước ngoài và nội địa Nhật Bản hằng năm đi du lịch ngắm hoa anh đào, họ chi tiêu khoảng 2,7 tỷ USD. Hiện giờ là khoảng thời gian hoa anh đào nở rộ và người Nhật lại mong đợi lượng du khách tiếp tục phá kỷ lục của năm ngoái.
Khi mùa Đông qua đi, một cơn sóng màu hồng đang cuộn trào lên quần đảo Nhật Bản. Những cánh hoa anh đào bắt đầu nở rộ từ ngày 27/3 và dự kiến kéo dài đến tuần này nhờ nhiệt độ mát mẻ. Thời gian chính xác của mùa hoa anh đào thay đổi theo từng năm. Năm 2018, trên hầu khắp Nhật Bản hoa nở rộ sớm hơn bình thường vì một mùa Xuân đặc biệt ấm áp.
Xem du khách ngắm hoa qua video time-lapse tại Shinjuku Gyoen, Tokyo. Nguồn: Bloomberg
Hoa anh đào, được gọi là sakura, có mặt khắp nơi ở Nhật Bản. Sakura có ý nghĩa về mặt văn hóa đến nỗi trong tiếng Nhật, hành động “ngắm hoa” cũng có từ riêng, gọi là “hanami”. Có hơn 600 điểm ngắm hoa trên nước Nhật, được theo dõi bởi nhà xuất bản bản đồ Shoubunsha ở Tokyo. Những điểm này bao gồm hầu hết các công viên lớn của đất nước, các chùa, đền thờ và các điểm tham quan khác.
Trong số các trang web nơi Shoubunsha báo cáo tổng số khách đến thăm, công viên Ueno ở Tokyo là địa điểm phổ biến nhất, với khoảng 4 triệu khách "hanami". Nhưng mức độ phổ biến của các điểm ngắm hoa thực ra trải dài khắp đất nước: Dữ liệu cho thấy hầu hết du khách thích khám phá Nhật Bản bên ngoài ba siêu đô thị Tokyo, Nagoya và Osaka. Theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản, gần 5 triệu khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đã đến thăm xứ hoa anh đào vào tháng 3 và tháng 4/2018, trong đó có hơn 2 triệu người đến từ Hàn Quốc và Trung Quốc.
Cơn sốt hoa anh đào chắc chắn không giới hạn ở Nhật Bản. Ở Washington, D.C (Mỹ), những cây anh đào được Nhật Bản trao tặng từ hơn một thế kỷ trước cũng đạt đến đỉnh điểm nở rộ, thu hút lượng lớn khách du lịch. Tuy nhiên, không đâu có thể sánh với truyền thống ngắm hoa anh đào có lịch sử hàng thiên niên kỷ ở Nhật Bản.
Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu thu hút 40 triệu du khách nước ngoài vào năm 2020 khi nước này tổ chức Thế vận hội, tăng từ mức kỷ lục 31,2 triệu vào năm 2018. Để đạt được mục tiêu đó, Tokyo đã nới lỏng các chính sách thị thực, chi tiêu nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng và nới lỏng hạn chế đối với các hãng tàu và hàng không giá rẻ. Số lượng chuyến bay quốc tế ở các hãng hàng không giá rẻ mỗi tuần đã tăng từ dưới 20 trong năm 2007 lên gần 3.000 chuyến trong năm 2018.
Một đồng Yen yếu, vốn làm phật lòng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trong nhiều năm, lại có ích với khách du lịch. Đối với chính phủ, đây là một cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thuyết phục các nhà đầu tư rằng Nhật Bản vẫn còn rất nhiều tiềm năng mặc dù tầm quan trọng toàn cầu của kinh tế Nhật đang suy giảm. Theo ước tính của Giáo sư đại học Kansai, Katsuhiro Miyamoto, thì tác động kinh tế tổng thể của hoa anh đào là khoảng 5,8 tỷ USD.
Nhiều công ty đã sẵn sàng nắm bắt một phần cơ hội đó. “Hanami” (ngắm hoa anh đào) là một cái cớ để tiệc tùng với bạn bè hoặc hội tụ gia đình giữa các "hộp bento" cùng nhiều món đồ uống. Starbucks, Coca-Cola và Asahi chỉ là một vài trong số nhiều doanh nghiệp đang cố gắng gây ảnh hưởng đến những thức uống trên tay người đi ngắm hoa, với những sản phẩm mang chủ đề sakura. Hãng đặt đồ ăn UberEats khuyến khích người đi hanami đặt hàng thẳng đến điểm dã ngoại của họ.
Nhiều công ty có trụ sở tại Tokyo chạy việc vặt cho khách hàng, chẳng hạn như Nandemo Yutao đang cung cấp dịch vụ trang trí địa điểm ngắm hoa. Yuta Konno, ông chủ của Nandemo Yutao, tính phí khoảng 26 USD (3.000 Yen) mỗi giờ, hoặc nhiều hơn, nếu khách hàng muốn anh trang trí không gian với bàn, đệm, thức ăn và đồ uống. “Tôi có thể phục vụ 24 điểm ngắm hoa trong một ngày”, Yutao nói và cho biết dịch vụ của anh ngày càng trở nên phổ biến khi sự cạnh tranh nóng lên.
Nếu buổi picnic diễn ra ở địa điểm có mặt đất quá gồ ghề, thì đã có dịch vụ mái vòm trong suốt đặt trên sàn gỗ ngay dưới tán cây, thậm chí có cả bàn cà phê và lò sưởi ấm để ăn uống thoải mái. Các nhóm "hanami" có thể thuê không gian này với giá khoảng 80 USD (9.000 Yen).
Một số công ty thậm chí còn đang bỏ hoàn toàn dịch vụ “hanami” ngoài trời. Các phòng riêng hanami trong nhà với cỏ nhân tạo và hình ảnh phong cảnh hoa anh đào được chiếu trên tường đang ngày càng phổ biến. Takeshi Takeoka, giám đốc của công ty bất động sản đang điều hành một dự án như vậy, có tên Ikejiri Select House, cho biết nhu cầu về các phòng theo chủ đề sakura của công ty đã tăng 50% kể từ năm ngoái.
Các phương tiện truyền thông xã hội, đặc biệt là Instagram, đã góp phần thúc đẩy sự bùng nổ du lịch ngắm hoa anh đào. Nhật Bản là một trong những quốc gia có người dân hoạt động mạnh mẽ nhất trên Instagram, với số lượng người dùng tăng gấp đôi trong hai năm qua lên 29 triệu.
Và chính phủ đang tận dụng lợi thế này để thúc đẩy du lịch, đặc biệt là tới những vùng cách xa các thành phố đông đúc. Tổ chức Du lịch quốc gia Nhật Bản đã hợp tác với Instagram vào năm ngoái để quảng cáo hashtag mới, #Un UnknownJapan (Một Nhật Bản chưa biết đến), thách thức người dùng chia sẻ hình ảnh của các địa phương ít nổi tiếng và đã đạt được hơn 5 triệu lượt khách nước ngoài chia sẻ bài đăng.
Nhiều du khách đang mạo hiểm và thích thú vượt ra ngoài các thành phố lớn trong mùa sakura. Theo Cơ quan Du lịch Nhật Bản, năm 2018, hơn 40% du khách nước ngoài ở trong các khách sạn bên ngoài Tokyo, Nagoya và Osaka. Tại Aomori, một tỉnh miền bắc xa xôi với 1,3 triệu dân, đã đón tới 3,1 triệu du khách trong mùa sakura năm 2018. Đầu năm nay, tạp chí Travel + Leisure đã xếp Aomori là địa điểm hàng đầu để ghé thăm vào tháng 4 khi hoa nở rộ.
Quay trở lại Tokyo, những người đi hanami đang tận hưởng những sắc màu hạnh phúc khi mùa hoa kéo dài. Hoa anh đào dự kiến sẽ qua “đỉnh điểm” trong vài ngày tới, khi những cánh hoa màu hồng bắt đầu rơi rụng. Nhưng ở đó, vẫn còn vẻ đẹp vào cuối mùa, với bãi cỏ, mặt đất và dòng sông tràn ngập cánh hoa nở, như một lời nhắc nhở về sự màu nhiệm du khách vừa trải qua.