Thế giới tuần qua: Mỹ xướng tên Tổng thống đắc cử; Châu Âu 'căng mình' vì COVID-19

Cuộc bầu cử tổng thống lịch sử Mỹ và số ca mắc COVID-19 tăng mạnh tại châu Âu là những vấn đề dược quan tâm trong tuần qua.

Tổng thống đắc cử Mỹ đã lộ diện

Chú thích ảnh
Tổng thống đắc cử Joe Biden. Ảnh: Getty Images

Ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden đã giành số phiếu đại cử tri cần thiết để đánh bại đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump và trở thành tổng thống đắc cử thứ 46 của Mỹ vào ngày 7/11.

Chiến thắng được xác nhận sau hơn 3 ngày kiểm phiếu kể từ ngày tổng tuyển cử 3/11. AP cho biết việc công bố kết quả kiểm phiếu năm 2020 chậm hơn những năm trước đó do số lượng phiếu bầu gửi qua thư quá lớn và khoảng cách chênh lệch nhỏ giữa hai ứng cử viên. Năm 2020 ghi nhận mức kỷ lục 103 triệu người Mỹ bỏ phiếu sớm trực tiếp hoặc qua hình thức phiếu bầu qua thư.

Sự chờ đợi gia tăng căng thẳng đối với nước Mỹ vốn đang đối mặt với nhiều thách thức như dịch COVID-19 và kinh tế gặp khó khăn.

Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết ông Biden đã thu hút cử tri qua việc đưa ra quan điểm rằng đương kim Tổng thống Trump gây đe dọa tới nền dân chủ Mỹ. Chiến thuật này được cho có tác dụng, tạo điều kiện để ông giành chiến thắng tại các bang Michigan, Wisconsin và Pennsylvania.

Năm vừa qua, dư luận Mỹ có cái nhìn tiêu cực hơn về cách xử lý dịch COVID-19 của Tổng thống Trump, kéo theo đó là kinh tế bị tác động. Ngoài ra, ông Biden còn tạo khác biệt với Tổng thống Trump qua sự kiện mùa Hè vừa qua liên quan đến bạo lực của cảnh sát và người da màu. Những cái chết của công dân da màu George Floyd ở Minneapolis và Breonna Taylor tại Kentucky đã hình thành phong trào biểu tình phản đối khắp nước Mỹ.

Theo AP, ông Biden phản ứng bằng việc thừa nhận tình trạng phân biệt chủng tộc vẫn tồn tại trong xã hội Mỹ, trong khi đó Tổng thống Trump lại tập trung vào ủng hộ lực lượng cảnh sát và đưa ra thông điệp về “trật tự và luật lệ”.

Chú thích ảnh
Người dân mừng chiến thắng của ông Biden tại Oakland, California. Ảnh: AP

Chiến thắng của ông Biden đồng nghĩa với việc bà Kamala Harris tạo nên lịch sử trở thành người phụ nữ gốc Á-Phi đầu tiên giữ ghế phó tổng thống Mỹ. Ông Joe Biden làm Phó Tổng thống trong 2 nhiệm kỳ của chính quyền Tổng thống Barack Obama. Năm 2020 là lần thứ 3 ông tham gia tranh cử tổng thống Mỹ.

Ngày 7/11, sau khi truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin về chiến thắng của ứng cử viên đảng Dân chủ Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới đã nhanh chóng gửi lời chúc mừng tới liên danh đắc cử.

Nhưng Tổng thống Trump chưa chấp nhận kết quả. Cùng ngày 7/11, Tổng thống Trump tuyên bố đội ngũ vận động tranh cử của ông sẽ khiếu nại kết quả bầu cử lên tòa án.

Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ Lindsey Graham tuyên bố sẵn sàng ủng hộ 500.000 USD cho nỗ lực pháp lý của Tổng thống Trump tại một số bang. Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa đang hướng tới gây quỹ 60 triệu USD hỗ trợ cuộc chiến pháp lý của ông Trump. Những diễn biến này cho thấy nguy cơ xảy ra tranh chấp pháp lý liên quan đến cuộc bầu cử năm 2020.

Châu Âu giải quyết tình trạng tăng số ca mắc COVID-19

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế đeo khẩu trang tại bệnh viện ở Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: AP

Phong tỏa, giới nghiêm và hạn chế theo khu vực là những biện pháp được ban hành khắp châu Âu khi lục địa này phải chiến đấu với diễn biến số ca mắc COVID-19 tăng vọt.

Trong tuần đầu tháng 11, các quốc gia Đông Âu ghi nhận trung bình 12.000 trường hợp nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch COVID-19 mỗi ngày. Tính riêng ngày 5/11, khu vực này còn ghi nhận kỷ lục 15.731 ca mắc mới.

Gần đây nhất, Bỉ tuyên bố tái áp dụng biện pháp phong tỏa từ 6/11. Một số ngành kinh doanh không cần thiết đóng cửa, người lao động được khuyến khích làm việc từ xa và các trường học tại nước này kéo dài thêm 3 ngày nghỉ lễ đến 15/11. Thủ tướng Alexander De Croo tuyên bố những biện pháp mới có hiệu lực từ 2/11 sẽ duy trì tối thiểu 1 tháng rưỡi. Đất nước 11,5 triệu dân đã ghi nhận trên 12.520 người tử vong vì COVID-19.

Trong khi đó, Pháp cũng bước vào lần phong tỏa toàn quốc thứ hai dự kiến kéo dài đến 1/12. Tất cả các cửa hiệu không cần thiết bị đóng cửa. Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định đây là biện pháp cần thiết. Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, đến 15 giờ ngày 7/11 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Pháp là trên 1,66 triệu trường hợp, trong đó có 39.865 người tử vong.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang tại London (Anh). Ảnh: CNN

Đức từng là tấm gương tại châu Âu về việc kiểm soát dịch COVID-19 tuy nhiên số ca mắc tăng mạnh đã buộc chính phủ nước này tuyên bố phong tỏa một phần từ 2/11. Nhà hàng, quán cà phê và quán bar phải đóng cửa trên toàn quốc. Thủ tướng Angela Merkel nhấn mạnh những biện pháp này nhằm tránh “tình trạng y tế khẩn cấp trên toàn quốc gia”.

Giữa tình hình ca nhiễm mới tăng đáng lo ngại, Thủ tướng Italy Guiseppe Conte đã tuyên bố những biện pháp mới bao gồm giới nghiêm vào buổi đêm, đóng cửa các rạp chiếu phim, nhà hát, bể bơi, phòng tập…

Ngày 5/11, Ba Lan ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trong một ngày tăng với 24.692 trường hợp được ghi nhận. Chính phủ Ba Lan đã điều động binh sĩ hỗ trợ xét nghiệm COVID-19. Các nhà hàng, quán bar bị đóng cửa và Ba Lan cũng cấm tụ tập trên 5 người.

Tây Ban Nha đã ban hành giới nghiêm vào ban đêm trên toàn quốc và hạn chế di chuyển giữa các vùng. Giới chức nước này cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc từ tuần trước dự kiến kéo dài 15 ngày nhưng có thể gia hạn tới 6 tháng.

Chính phủ Anh cũng ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc mới kéo dài đến ngày 2/12.

Hà Linh/Báo Tin tức
Thế giới tuần qua: Hai ứng viên tổng thống Mỹ nỗ lực trước giờ G; Ác mộng COVID-19 trở lại châu Âu
Thế giới tuần qua: Hai ứng viên tổng thống Mỹ nỗ lực trước giờ G; Ác mộng COVID-19 trở lại châu Âu

Những diễn biến cuối cùng trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ và tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp tại châu Âu là hai sự kiện quốc tế đáng quan tâm trong tuần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN