Ông Shubhanshu Shukla - phi hành gia Ấn Độ đầu tiên lên Trạm Vũ trụ Quốc tế - quan sát Trái Đất từ mái vòm. Ảnh: theguardian.com
Theo tờ The Guardian ngày 12/7, ông Shubhanshu Shukla - phi công thử nghiệm của Không quân Ấn Độ kiêm kỹ sư thuộc Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) - đang thực hiện sứ mệnh Axiom Mission 4 trên ISS. Ông Shukla là phi hành gia thứ hai của Ấn Độ bay vào quỹ đạo, sau chuyến bay lịch sử của ông Rakesh Sharma vào năm 1984.
Những ngày này, hình ảnh Trạm Vũ trụ Quốc tế bay ngang bầu trời Ấn Độ thu hút sự chú ý của đông đảo học sinh, nhất là ở các vùng nông thôn. Nhiều em không giấu được niềm phấn khích khi lần đầu tiên được trực tiếp theo dõi hành trình của một phi hành gia Ấn Độ. Em Deborshi Halder, 15 tuổi, học sinh trường trung học Kalash, bang Tây Bengal, chia sẻ: “Em mong rằng những thí nghiệm mà ông Shukla thực hiện sẽ giúp con người tìm ra cách sinh sống ở các hành tinh khác”. Trong khi đó, bạn học Sabnam Sireen bày tỏ lo ngại: “Nếu con người tìm được nơi ở mới ngoài Trái Đất, liệu chúng ta có lặp lại sai lầm làm ô nhiễm không gian không?”.
Những câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng cho thấy niềm quan tâm thực sự của thế hệ trẻ. Em Fardin Ahmed, 14 tuổi, chia sẻ: “Trước đây em chỉ biết về hệ Mặt Trời qua sách vở. Giờ em hiểu rằng chúng ta, ở một huyện nhỏ của Ấn Độ, thực ra chỉ là một phần rất nhỏ trong dải ngân hà vô tận”.
Đằng sau những thay đổi này là nỗ lực của nhiều thầy cô và các tổ chức phi lợi nhuận. Trong đó, Life-To and Beyond Foundation - một tổ chức do ông Sibsankar Palit, nhà truyền thông khoa học, sáng lập năm 2022 - đã tổ chức hơn 30 hội thảo về không gian vũ trụ cho học sinh khắp Ấn Độ, kể cả ở những vùng xa như Sukma, bang Chhattisgarh.
Ông Palit cho rằng, chỉ học qua sách giáo khoa thì chưa đủ để khơi dậy trí tò mò khoa học. Nhiều trường phổ thông ở Ấn Độ vẫn chưa có đủ phòng thí nghiệm đạt chuẩn. Vì vậy, ông cùng các cộng sự đã tìm cách dạy học sinh làm mô hình hệ Mặt Trời bằng giấy, dùng ứng dụng thiên văn để quan sát bầu trời. Thầy giáo Saikat Ganguly (trường Kalash) cho biết: “Nhiều em không có điện thoại riêng nhưng vẫn mượn điện thoại của cha mẹ để theo dõi vị trí ISS và hành trình của ông Shukla”.
Hầu hết học sinh ở Kalash đều là con em gia đình nông dân, thu nhập thấp, nhiều em là thế hệ đầu tiên được đến trường. Theo ông Palit, câu chuyện của ông Shukla là minh chứng rằng giấc mơ nghiên cứu vũ trụ không còn xa vời: “Tôi luôn nhắc các em rằng chương trình không gian của Ấn Độ bắt đầu từ một làng chài nhỏ Thumba, bang Kerala, vào năm 1963. Không gì là không thể”.
Nếu thời tiết thuận lợi, Trạm Vũ trụ Quốc tế sẽ tiếp tục xuất hiện trên bầu trời Ấn Độ vào tối ngày 12/7, mang theo hy vọng về một thế hệ trẻ biết ngước nhìn bầu trời, mơ ước và tin rằng mình cũng có thể vươn tới các vì sao.