Hoàn tất tranh luận trực tiếp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020
Đúng 9 giờ tối 22/10 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump và đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden bước vào cuộc tranh luận tay đôi cuối cùng. Trong màn so găng kéo dài 90 phút tại Đại học Belmont ở thành phố Nashville, bang Tennessee và dưới sự điều phối của nhà báo Kristen Welker thuộc Đài NBC News, hai ứng cử viên thay nhau bày tỏ quan điểm về sáu chủ đề thảo luận, gồm: Đại dịch COVID-19 và cách ứng phó của chính quyền liên bang; an ninh quốc gia; phân biệt chủng tộc, di cư; vấn đề các gia đình người Mỹ, tình trạng nghèo đói và cứu trợ liên bang và biến đổi khí hậu.
Cuộc tranh luận được đánh giá là trật tự và văn minh, khác xa vòng đối đầu trực tiếp náo loạn, mất kiểm soát trước đó. Kết quả này là do Ban tổ chức đã áp dụng quy định mới về nút tắt micro, cũng như thay đổi chiến thuật của Tổng thống Donald Trump và đội cố vấn tranh cử. Ông chủ Nhà Trắng tỏ ra điểm đạm hơn, bớt ngắt lời đối thủ và để cho cựu Phó tổng thống Joe Biden nói nhiều hơn nhằm buộc đối thủ để lộ ra sơ hở.
Tuy nhiên, đối lập quan điểm giữa hai ứng cử viên vẫn là điểm xuyên suốt. Đơn cử như như trong vấn đề giải pháp tiếp theo trong xử lý COVID-19, ông Trump có ý xem nhẹ mức độ nghiêm trọng của đại dịch, lặp lại quan điểm về việc tái mở cửa nền kinh tế thay vì “nhốt mình trong tầng hầm giống như Joe” (ông Joe Biden). Về phần mình, ứng cử viên đảng Dân chủ đề cao yêu cầu và đặt ưu tiên cho kiểm soát đại dịch, để ngỏ khả năng tái phong tỏa. Ông chỉ trích đương kim Tổng thống Mỹ “không có kế hoạch rõ ràng. Bất kỳ ai chịu trách nhiệm cho nhiều người chết như vậy đều không nên tiếp tục làm tổng thống Mỹ”.
Hay như về chống phân biệt chủng tộc, ông Biden cáo buộc đối thủ là một trong những tổng thống phân biệt chủng tộc nhất lịch sử Mỹ. Đáp lại, Tổng thống Trump tuyên bố kể từ thời Tổng thống Abraham Lincoln, “không ai làm được nhiều điều cho cộng đồng da đen nhiều hơn tôi”.
Sự kiện này đã thu hút được khoảng 63 triệu khán giả, thấp hơn 13% so với vòng tranh luận đầu tiên và kém xa màn đối đầu cuối cùng giữa ông Trump và đối thủ Hilary Clinton hồi năm 2016. Truyền thông, dư luận Mỹ có đánh giá đa chiều về mức độ thành công của từng ứng cử viên, nhưng đều thống nhất ở điểm vòng tranh luận cuối cùng này ít có khả năng gây ra những thay đổi lớn về kết quả bầu cử.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, những cuộc tranh luận trực tiếp được phát trên truyền hình có rất ít tác động tới quyết định của cử tri. Với việc tỉ lệ cử tri đi bầu được dự báo cao hơn so với năm 2016, xu thế này có lẽ sẽ càng đúng trong cuộc đua diễn ra sau 10 ngày tới.
Theo Yanna Krupnikok, nhà khoa học chính trị tại Đại học Stony Brook (Mỹ), đa phần những người theo dõi màn tranh luận đều đã chọn trước cho mình ứng cử viên và họ vẫn sẽ không thay đổi lựa chọn kể cả khi ứng cử viên của họ có màn trình diễn không như ý muốn. Cử tri đã có quyết định cho riêng mình về việc bầu cho ai.
Đại dịch COVID-19 lây lan mạnh ở châu Âu
Châu Âu đang nổi lên là tâm dịch mới của thế giới, khi phải đối diện với đợt bùng phát dịch mới, số ca bệnh tăng mại trở lại ở nhiều nước. Theo thống kê cập nhật tính đến ngày 24/10, toàn khu vực có 8.112.657 người mắc COVID-19 và chỉ trong vòng 10 ngày qua, số ca mắc mới đã tăng gấp đôi. Tính đến nay, châu Âu chiếm khoảng 19% số ca nhiễm và khoảng 22% số ca tử vong toàn cầu.
Tại Tây Âu, Tây Ban Nha là nước đầu tiên trong khu vực vượt hơn một triệu ca mắc, với 1.110.372 nhiễm virus SARS-CoV-2 tính đến ngày 24/10 - theo số liệu của tổ chức worldometers. Bộ trưởng Y tế nước này, ông Salvador Illa, thừa nhận làn sóng thứ hai đang là thực tế đang diễn ra ở Tây Ban Nha. Tại nhiều khu vực, đại dịch đang lây lan với tốc độ vượt tầm kiểm soát. Ông cho rằng chính phủ cần thực hiện các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn dịch bệnh và cảnh báo 5-6 tháng tới sẽ là quãng thời gian khó khăn.
Số ca mắc mới trung bình trong 7 ngày của Pháp đang ở mức cao nhất châu Âu với khoảng 25.480 ca nhiễm mỗi ngày, đưa Pháp trở thành nước thứ hai ở Tây Âu có tổng số ca mắc COVID-19 vượt mốc 1 triệu người sau Tây Ban Nha. Để hạn chế lây nhiễm, Thủ tướng Pháp Jean Castex ngày 22/10 ra quyết định mở rộng lệnh giới nghiêm, ảnh hưởng tới hơn 46 triệu dân, chiếm 2/3 dân số của nước này. Lệnh này chính thức có hiệu lực từ tối ngày 23/10 (giờ địa phương).
Hà Lan cũng là điểm nóng mới, với hơn 9.000 ca mới/ngày, mức cao lục mới của nước này kể từ khi đại dịch bùng phát. Đức cũng lần đầu tiên ghi nhận hơn 10.000 người nhiễm mới trong ngày 22/10. Chính quyền của Thủ tướng Angela Merkel đã mở rộng cảnh báo du lịch với Thụy Sĩ, Ireland, Ba Lan, hầu hết các khu vực của Áo và Italy.
Cộng hòa Séc và Bỉ là hai trong số các nước chịu tác động nghiêm trọng nhất từ làn sóng thứ hai COVID-19 tấn công châu Âu từ tháng 9. Hai nước này trong 14 ngày qua đều có tỉ lệ 1.000 ca mắc tính trên 100.000 dân.
ECDC cho biết số ca mắc COVID-19 tại nhiều nước châu Âu tăng rõ rệt trong những tuần gần đây. Hiện nguy cơ lây nhiễm đang gia tăng tại hầu hết các nước, số ca nhập viện phải sử dụng liệu pháp chăm sóc tích cực (ICU) tăng vọt. Tỉ lệ giường ICU còn trống hiện chỉ ở mức 1/3 so với đỉnh dịch lần trước diễn ra vào mùa xuân. ECDC nhận định, tình hình này đang đòi hỏi phải có hành động cấp thiết trong đó có việc giãn cách xã hội, hạn chế số người tụ tập, rửa tay và khuyến khích đeo khẩu trang.