Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào khoáng sản chiến lược

Giữa cuộc chạy đua toàn cầu về tài nguyên chiến lược, Trung Quốc tăng tốc thăm dò và khai thác khoáng sản, thể hiện rõ tham vọng kiểm soát chuỗi cung ứng nguyên liệu quan trọng.

Chú thích ảnh
Đất hiếm chuẩn bị được bốc xếp tại Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng ngày 11/7 đưa tin, Trung Quốc phát hiện 38 địa điểm có trữ lượng khoáng sản mới, một bước tiến được kỳ vọng sẽ giúp Bắc Kinh đạt mục tiêu đảm bảo an ninh tài nguyên chiến lược trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gia tăng.

Các mỏ khoáng sản đóng vai trò then chốt trong chiến lược quốc gia, phát triển công nghiệp và quá trình chuyển đổi năng lượng của Bắc Kinh. Dù sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, nhưng sự phân bố không đồng đều trên lãnh thổ khiến việc phát hiện và khai thác trở nên khó khăn. Điều này là một yếu tố khiến Trung Quốc vẫn phải phụ thuộc đáng kể vào nguồn cung từ bên ngoài đối với một số tài nguyên chiến lược.

Sau khi Quốc vụ viện Trung Quốc phê duyệt kế hoạch mở rộng hoạt động thăm dò tài nguyên vào năm 2011, tập trung vào các loại khoáng sản phục vụ nhu cầu năng lượng, sản xuất quy mô lớn và phát triển các ngành công nghiệp chiến lược mới, Bắc Kinh đã ghi nhận nhiều bước tiến quan trọng trong lĩnh vực này. Theo Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan trung ương đã mang lại những phát triển tích cực về công nghệ thăm dò, phương pháp khai thác và đổi mới thiết bị chuyên dụng.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, đầu tư của Trung Quốc vào hoạt động thăm dò khoáng sản đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái, tập trung vào các loại khoáng sản quan trọng như thiếc, bôxit, vonfram, đồng và phốt phát, những nguyên tố đóng vai trò thiết yếu trong ngành hàng không vũ trụ, sản xuất chip bán dẫn và năng lượng xanh. Đầu tư vào hoạt động thăm dò khoáng sản không chứa hydrocacbon cũng ghi nhận mức tăng mạnh, với tổng giá trị đạt 6,69 tỷ nhân dân tệ (tương đương 932 triệu USD), tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước. Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc cho biết, số lượng mỏ khoáng sản mới được phát hiện trong giai đoạn này cũng tăng 31% so với năm ngoái.

Một trong những phát hiện mới nhất là mỏ lithium kiểu granit biến đổi có trữ lượng siêu lớn tại khu mỏ Jijiaoshan, thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Theo tờ Nhân dân Nhật báo, mỏ này ước tính chứa khoảng 490 triệu tấn quặng lithium và 1,31 triệu tấn lithium oxit. Khu mỏ này còn được cho là sở hữu trữ lượng trung bình đến lớn của nhiều phụ phẩm chiến lược khác như rubidium, vonfram, thiếc, niobium và tantalum.

Trước đó, Trung Quốc đã phát hiện một vành đai quặng lithium loại spodumene dài 2800 km ở khu vực dãy núi Côn Luân với lượng dự trữ ước tính hơn 6,5 triệu tấn.

Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc cho biết nước này đã hoàn thành trước thời hạn các mục tiêu thăm dò đối với hầu hết các loại khoáng sản trong khuôn khổ Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021–2025.

Với việc liên tiếp phát hiện các mỏ khoáng sản quy mô lớn và đẩy mạnh đầu tư vào hoạt động thăm dò và khai thác, Trung Quốc đang từng bước củng cố vị thế trong cuộc đua toàn cầu về tài nguyên chiến lược. Trong đó, lithium, nguyên tố thường được ví với “vàng trắng”, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng và phát triển công nghệ. Là quốc gia sở hữu trữ lượng lithium lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc đang thể hiện rõ tham vọng kiểm soát chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng trong kỷ nguyên hậu nhiên liệu hóa thạch.

Hải Trần/Báo Tin tức và Dân tộc
Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu ngành sản xuất toàn cầu
Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu ngành sản xuất toàn cầu

Sản lượng kinh tế của Trung Quốc đã liên tiếp vượt các mốc 110.000 tỷ Nhân dân tệ (NDT- khoảng 15.300 tỷ USD), 120.000 tỷ NDT (khoảng 16.700 tỷ USD) và 130.000 tỷ NDT (khoảng 18.100 tỷ USD) và dự kiến sẽ đạt khoảng 140.000 tỷ NDT (khoảng 19.500 tỷ USD) trong năm nay; mức tăng dự kiến vượt trên 35.000 tỷ NDT (khoảng 4.880 tỷ USD).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN