Thế giới tuần qua: Hai ứng viên tổng thống Mỹ nỗ lực trước giờ G; Ác mộng COVID-19 trở lại châu Âu

Những diễn biến cuối cùng trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ và tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp tại châu Âu là hai sự kiện quốc tế đáng quan tâm trong tuần.

Cuộc chạy đua phút chót tại các bang Trung Tây

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden tại vòng tranh luận trực tiếp cuối cùng ở thành phố Nashville, bang Tennesse. Ảnh: AFP/TTXVN

Khi chỉ còn chưa đầy 4 ngày nữa là tới Ngày Bầu cử và đã có trên 86 triệu cử tri lựa chọn bỏ phiếu sớm, thời gian giờ không còn nhiều để cho Tổng thống đương nhiệm Donald Trump và đối thủ bên đảng Dân chủ Joe Biden thay đổi cục diện cuộc đua vào Nhà Trắng.

Trong tuần qua, Tổng thống Trump và ứng viên Biden đều thay đổi chiến thuật, quyết định chạy đua tranh cử tại các bang quan trọng ở khu vực Trung Tây trước thềm cuộc bầu cử chính thức.

Bắt đầu từ ngày 30/11, hai ứng viên đã đi khắp vùng Trung Tây – khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong làn sóng gia tăng các ca COVID-19 mới tại Mỹ. Trong khi Tổng thống Trump đi vận động tại bang Michigan thì cựu Phó Tổng thống Biden lại đến Iowa, rồi cả hai cùng tổ chức các sự kiện riêng biệt ở Wisconsin và Minnesota vào cuối tuần.

Việc hai ứng viên đều chuyển tập trung sang các bang ở Trung Tây đã phần nào cho thấy tầm quan trọng của khu vực trong cuộc đua trở thành ông chủ Nhà Trắng. Michigan và Wisconsin là 2 trong số 3 bang truyền thống của đảng Dân chủ, cùng với Pennsylvania, đã mang lại chiến thắng sít sao cho ông Trump vào năm 2016.

Trong khi đó, Minnesota – bang đã không bỏ phiếu cho ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa kể từ năm 1972 - là một trong số ít bang thuộc về đảng Dân chủ mà Tổng thống Trump đang tìm cách giành lợi thế trong năm nay. 

Tại các sự kiện vận động, nhà lãnh đạo Mỹ đã cam kết sẽ đưa một quốc gia đang mệt mỏi, sợ hãi trước những tổn thất mà đại dịch tàn khốc gây ra “trở lại bình thường” và lạc quan về những phương thức điều trị mới đang chờ phê duyệt. Trái ngược với lời hứa hẹn của Tổng thống đương nhiệm, ứng viên tranh cử đảng Dân chủ Joe Biden lại cảnh báo về một “mùa đông đen tối” và cam kết chia sẻ với Mỹ về những ngày khó khăn vẫn còn phía trước sau Ngày Bầu cử 3/11.

Theo số liệu của Dự án Bầu cử Mỹ của Đại học Florida, tình hình dịch bệnh lây lan mạnh đã khiến cho số lượng cử tri đi bỏ phiếu sớm mùa bầu cử này đạt mức cao kỷ lục. Tính đến ngày 31/10, trên 86 triệu cử tri lựa chọn hình thức bỏ phiếu sớm qua thư lẫn trực tiếp, gần bằng 63% tổng số cử tri đi bỏ phiếu vào năm 2016. 

Số liệu bỏ phiếu sớm cho thấy số cử tri đảng Dân chủ bỏ phiếu qua đường bưu điện cao hơn đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, cử tri đảng Cộng hòa được dự đoán sẽ đi bầu với số lượng lớn vào ngày 3/11.

Chú thích ảnh
Nhân viên chuẩn bị các thùng phiếu bầu Tổng thống Mỹ 2020 qua bưu điện tại Raleigh, bang North Carolina (Mỹ) ngày 3/9. Ảnh: AP/TTXVN

Trong một diễn biến liên quan, đầu tuần này, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu xác nhận đề cử của Tổng thống Donald Trump đối với bà Amy Coney Barrett vào vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao, với 52 phiếu thuận và 48 phiếu chống. Với động thái bổ nhiệm này, cán cân quyền lực tại Tòa án Tối cao Mỹ sẽ nghiêng sang phe bảo thủ nhiều hơn với 6 thẩm phán bảo thủ và 3 thẩm phán tự do. Điều này được xem là lợi thế cho những phán quyết có lợi hơn cho đảng Cộng hòa trong trường hợp xảy ra tranh chấp kết quả bầu cử Mỹ.

“Mùa Đông đen tối” bao trùm châu Âu

Chú thích ảnh
Chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở Budapest, Hungary ngày 27/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Làn sóng COVID-19 thứ hai đang khiến châu Âu chao đảo. Những biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan đang khiến cho các nền kinh tế vốn đã mỏng manh nay càng kiệt quệ. 

Theo số liệu chính thức tính đến hết ngày 31/10, châu Âu đã ghi nhận trên 9,8 triệu ca mắc COVID-19 kể từ khi đại dịch lần đầu bùng phát vào đầu năm. Châu lục này hiện là khu vực chịu tác động nặng nề thứ 3 thế giới, sau khu vực Mỹ Latinh và Caribe với 11,2 triệu ca mắc COVID-19, và châu Á với 10,5 triệu ca. 

Nhiều nước châu Âu ghi nhận thêm các ca nhiễm mới cao kỷ lục trong 24 giờ qua.

Đến hết ngày 31/10 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 ở Nga là trên 1,6 triệu ca. Tại Pháp, chứng kiến số ca mắc COVID-19 trung bình mỗi ngày là 40.000 người, Tổng thống Emmanuel Macron đã quyết định tái phong tỏa toàn quốc từ 30/10 đến 1/12. Tổng thống Macron nhấn mạnh mục tiêu của chính phủ là giảm xuống còn 5.000 ca mắc/ngày.

Tương tự Pháp, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Thủ tướng Đức Angela Merkel và các nhà lãnh đạo 16 bang ở Đức một lần nữa nhất trí tái áp đặt các biện pháp phong tỏa có giới hạn. Ngày 30/10, nước này ghi nhận trên 19.000 ca nhiễm mới/ngày, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát hồi tháng 3. Bên cạnh đó, các số liệu thống kê mới nhất cũng cho thấy hiện Đức chỉ còn trống khoảng 25% số giường bệnh chăm sóc đặc biệt. Thủ tướng Angela Merkel ngày 27/10 đã cảnh báo hệ thống y tế của Đức sẽ sụp đổ nếu số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng mạnh.

Về phần mình, Chính phủ Anh cho biết không loại trừ khả năng áp đặt một lệnh phong tỏa trên toàn vùng England. Anh đã ghi nhận trung bình trên 20.000 ca nhiễm mới/ngày và trung bình 200 ca tử vong/ngày trong tuần. Theo báo Daily Telegraph, Chính phủ Anh đang chuẩn bị cho khả năng đợt bùng phát dịch thứ 2 sẽ có nhiều người chết hơn lần trước và số lượng tử vong sẽ ở mức cao trong suốt mùa đông.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Bầu cử Mỹ: Hai bên tích cực thu hút cử tri gốc Latinh ở Florida
Bầu cử Mỹ: Hai bên tích cực thu hút cử tri gốc Latinh ở Florida

Vai trò của cử tri trẻ người Mỹ gốc Latinh ở bang Florida rất quan trọng trong bầu cử do đây là bang mà ứng viên tổng thống nào cũng muốn phải thắng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN