Đối với người dùng tại Mỹ, Instagram sẽ tạm thời bỏ tính năng "Recent" trên các nội dung hashtag kể từ ngày 29/10. Thông báo của Instagram cho biết động thái này nhằm làm chậm thời gian lan truyền một nội dung độc hại tiềm tàng trong giai đoạn bầu cử. Tính năng "Recent" của Instagram giúp sắp xếp thứ tự các "hashtag" theo trình tự thời gian và phát tán nội dung. Các nhà nghiên cứu thận trọng cho rằng việc tự động phát tán nội dung có thể dẫn đến việc nhanh chóng lan truyền thông tin sai lệch trên nền tảng.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh các công ty truyền thông xã hội ngày càng đối mặt với nhiều áp lực nhằm chống lại thông tin sai lệch liên quan đến bầu cử, cũng như chuẩn bị cho nguy cơ bùng phát bạo lực xung quanh thời điểm bỏ phiếu vào ngày 3/11 tới.
Đầu tháng này, Twitter cho biết sẽ gỡ bỏ các đoạn tweet kêu gọi người dân can thiệp vào tiến trình bầu cử Mỹ hoặc thực thi kết quả bầu cử thông qua sử dụng bạo lực. Gần đây, Twitter đã công bố một số bước đi tạm thời nhằm làm chậm lại việc phát tán nội dung: chẳng hạn như kể từ ngày 20/10 cho tới khi kết thúc tuần lễ bầu cử Mỹ, người dùng toàn cầu khi "retweet" (đăng lại nội dung của người khác) sẽ được chuyển sang nút "quote tweet" (thêm bình luận vào nội dung gốc) để khuyến khích mọi người tự đưa ra bình luận. Twitter cũng tuyên bố sẽ ngừng phát tán các chủ đề đang thu hút sự chú ý nhưng không bổ sung thêm nội dung.
Cùng ngày, Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đã bày tỏ quan ngại rằng trong bối cảnh nước Mỹ sẽ bị chia rẽ và kết quả kiểm phiếu sẽ mất vài ngày hoặc vài tuần để hoàn tất, nguy cơ bất ổn dân sự sẽ bùng phát, đồng thời công bố một số biện pháp nhằm chống lại vấn nạn thông tin sai lệch, tác động đến cử tri trên mạng xã hội này. Theo ông, trong bối cảnh khó khăn như vậy, các công ty mạng xã hội như Facebook cần nỗ lực hơn nữa.
Thời gian gần đây, các đảng phái chính trị đã phàn nàn rằng Facebook sẽ tác động tiêu cực đến các nỗ lực tranh cử, khi cấm các quảng cáo chính trị trả tiền mới đăng trên mạng xã hội trong tuần lễ trước Ngày bầu cử. Tuy nhiên, những bên đăng quảng cáo chính trị vẫn có thể lách quy định, thông qua việc đăng lên Facebook trước hạn chót, rồi mới phổ biến rộng hơn đến người dùng sau đó. Trong thời gian áp dụng quy định mới này, đã xuất hiện một lỗi hệ thống.
Giám đốc sản phẩm Facebook Rob Leathern khẳng định công ty đang điều tra việc một số quảng cáo bị chặn nhầm, hay các bên đăng gặp khó khăn trong việc thay đổi nội dung chiến dịch quảng cáo. Trước đó, Facebook cũng đã siết chặt các quy định về quảng cáo chính trị trước thềm bầu cử, bao gồm cấm các nỗ lực gây suy yếu tiền trình bầu cử.