Thế giới Tuần qua: Armenia và Azerbaijan đạt thỏa thuận ngừng bắn; Công bố chủ nhân các giải Nobel năm 2020

Armenia và Azerbaijan đạt thỏa thuận ngừng bắn tại khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh và lễ công bố người chiến thắng các giải Nobel năm nay là hai sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần.

Armenia và Azerbaijan đạt thỏa thuận ngừng bắn

Chú thích ảnh
Giao tranh tại liên tục diễn ra giữa Armenia và Azerbaijan mấy tuần qua. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau 10 tiếng đàm phán tại Moskva (Nga), Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố Armenia và Azerbaijan đã nhất trí một thỏa thuận ngừng bắn tại Nagorny-Karabakh từ 10/10. Theo tuyên bố sau cuộc đàm phán ở Moskva, Baku và Yerevan cũng đã nhất trí sẽ khởi động các cuộc đám phán chính thức cho cuộc xung đột tại khu vực này Karabakh.

“Cộng hòa Azerbaijan, Cộng hòa Armenia với sự hòa giải của các đồng chủ tịch Nhóm OSCE Minsk, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của hòa giải, bắt đầu các cuộc đàm phán thực chất với mục đích đạt được một giải pháp hòa bình càng sớm càng tốt”, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh.

Trích dẫn tuyên bố chung, Ngoại trưởng Lavrov cho biết các điều khoản cụ thể trong lệnh ngừng bắn ở Nagorny-Karabakh sẽ được thống nhất riêng. Tuyên bố cũng cho biết các bên cam kết giữ nguyên hình thức đàm phán về Karabakh.

Trước đó, người đứng đầu các bộ ngoại giao của Armenia và Azerbaijan đã được mời đến Moskva để tham gia đàm phán về lệnh ngừng bắn, trao đổi tù nhân và thi thể của những người thiệt mạng.

Chủ tịch đương nhiệm của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Thủ tướng Albania, Edi Rama ngày 10/10 đã hoan nghênh vai trò của Nga trong việc tổ chức những cuộc đàm phán giữa ngoại trưởng hai nước Armenia và Azerbaijan tại Moskva để đi đến thỏa thuận ngừng bắn ở Nagorny-Karabakh.

Khu vực Nagorny - Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia. Điều này đã châm ngòi cho những tranh chấp chủ quyền giữa hai nước, mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng. Căng thẳng tái bùng phát từ sáng 27/9 vừa qua sau khi nổ ra các vụ đụng độ ác liệt giữa hai bên, đến nay đã khiến hàng trăm người thiệt mạng.

Việc hai bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn là bước đi đáng hoan nghênh, góp phần tạm thời hạ nhiệt căng thẳng tại khu vực tranh chấp này.

Chủ nhân các giải thưởng Nobel lộ diện

Chú thích ảnh
Xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho người tị nạn Nam Sudan ở bang Bắc Kordofan, Sudan tháng 5/2017. Ảnh: AFP/TTXVN

Một trong những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần qua là lễ công bố giải thưởng Nobel uy tín trên các lĩnh vực, bao gồm Y học, Vật Lý, Hóa học, Văn học và Hòa bình.

Nổi bật trong số những người chiến thắng là chủ nhân giành giải Nobel Hòa bình năm nay. Ủy ban Giải thưởng Nobel Na Uy ngày 9/10 tuyên bố giải Nobel Hòa bình 2020 được trao cho Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) vì những nỗ lực không mệt mỏi của tổ chức quốc tế này nhằm đảm bảo an ninh lương thực, giảm tình trạng thiếu lương thực và nạn đói trên thế giới.

Bà Berit Reiss-Andersen, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy đánh giá các nỗ lực của WFP không chỉ giúp giảm đói nghèo trên thế giới, nhất là ở châu Phi, mà còn đóng góp cho ổn định và an ninh toàn cầu, cũng như vai trò thúc đẩy các nỗ lực ngăn chặn sử dụng đói nghèo làm vũ khí cho chiến tranh và xung đột. Bà Berit khẳng định khẳng định dù đại dịch có không xảy ra thì WFP vẫn xứng đáng nhận giải năm nay, phù hợp với dự đoán từ trước của giới quan sát cho rằng Nobel 2020 sẽ không có giải thưởng nào được trao cho những nghiên cứu liên quan trực tiếp đến virus SARS-CoV-2 hay những nỗ lực chống COVID-19.

Giải Nobel Y sinh năm nay đã thuộc về 3 nhà khoa học phát hiện ra virus viêm gan C. Ủy ban Nobel cho biết công trình nghiên cứu của bộ ba nhà khoa học gồm Harvey J. Alter (Mỹ), Michael Houghton (Anh) và Charles M.Rice (Mỹ) đã giúp giải thích nguồn gốc chính gây bệnh viêm gan qua truyền máu mà không phải do virus gây viêm gan A và B. Từ đó, nền y học thế giới có thể thực hiện xét nghiệm máu và phát triển thuốc cứu sống hàng triệu người.

Giải Nobel Vật lý năm 2020 được trao cho ba nhà khoa học Roger Penrose, Reinhard Genzel và Andrea Ghez về những phát hiện lý thú về Hố đen.

Về lĩnh vực Hóa học, công nghệ chỉnh sửa gen như CRISPR/Cas9 và những cải tiến có tiềm năng rất lớn trong sàng lọc gen, chẩn đoán gen, đặc biệt là phát triển các liệu pháp điều trị mới xứng đáng giành giải thưởng Nobel Hóa học trong năm nay. Hai nhà khoa học nữ Emmanuelle Charpentier (người Pháp) và Jenifer A. Doudna (người Mỹ) vinh dự trở thành những nữ chủ nhân thứ sáu và thứ bảy của giải thưởng này.

Giải Nobel Văn học năm 2020 được trao cho nhà thơ người Mỹ Louise Gluck vì "chất thơ không thể nhầm lẫn, nét đẹp toát lên từ sự thống khổ, khiến cho sự hiện hữu của mỗi cá nhân trở nên phổ biến". Sinh năm 1943 tại New York, bà Louise Elisabeth Glück đã giành được nhiều giải thưởng văn học lớn tại Mỹ, trong đó có Huy chương Nhân văn Quốc gia, Giải thưởng Pulitzer, Giải thưởng Sách Quốc gia, Giải thưởng Hội Nhà phê bình Sách Quốc gia và Giải thưởng Bollingen, cùng nhiều giải thưởng khác.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Thế giới Tuần qua: Armenia và Azerbaijan đạt thỏa thuận ngừng bắn; Công bố chủ nhân các giải Nobel năm 2020
Thế giới Tuần qua: Armenia và Azerbaijan đạt thỏa thuận ngừng bắn; Công bố chủ nhân các giải Nobel năm 2020

Armenia và Azerbaijan đạt thỏa thuận ngừng bắn tại khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh và lễ công bố người chiến thắng các giải Nobel năm nay là hai sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN