Theo bà Berit Reiss-Andersen, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) xứng đáng được vinh danh Giải Nobel Hòa bình năm 2020 vì những nỗ lực không mệt mỏi của tổ chức quốc tế này nhằm đảm bảo an ninh lương thực, giảm tình trạng thiếu lương thực và nạn đói trên thế giới.
Bà Reiss-Andersen đánh giá các nỗ lực của WFP không chỉ giúp giảm đói nghèo trên thế giới, nhất là ở châu Phi, mà còn đóng góp cho ổn định và an ninh toàn cầu, cũng như vai trò thúc đẩy các nỗ lực ngăn chặn sử dụng đói nghèo làm vũ khí cho chiến tranh và xung đột.
Khi được báo giới hỏi liệu đại dịch COVID-19 có ảnh hưởng đến quyết định trao Giải Nobel Hòa bình cho WFP, bà Reiss-Andersen khẳng định dù đại dịch có không xảy ra thì WFP vẫn xứng đáng nhận giải năm nay.
WFP là chương trình viên trợ lương thực của Liên hợp quốc và là tổ chức nhân đạo lớn nhất thế giải quyết nạn đói. Năm 2019, WFP đã hỗ trợ gần 100 triệu người là nạn nhân của tình trạng mất an ninh lương thực và nạn đói nghiêm trọng tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Năm 2019, Giải Nobel Hòa bình đã được trao cho Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed để vinh danh nhờ những nỗ lực và đóng góp không mệt mỏi của ông cho hòa bình-hòa giải quốc tế, cũng như vai trò quan trọng mà ông đã đóng góp vào việc chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 20 năm với quốc gia láng giềng Eritrea.
Giải Nobel Hòa bình được trao lần đầu tiên vào năm 1901 và Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed là chủ nhân thứ 100 của giải thưởng này. Người trẻ tuổi nhất từng được trao Giải Nobel Hòa bình là nhà hoạt động Malala Yousafzai (người Pakistan) vào năm 2014 khi mới 17 tuổi.
Nobel Hòa bình là giải thứ 5 được công bố trong mùa giải Nobel năm 2020.
Trước đó, Giải Nobel Y sinh năm 2020 đã thuộc về các nhà khoa học Harvey J. Alter (Mỹ), Michael Houghton (Anh) và Charles M.Rice (Mỹ) để vinh danh những nghiên cứu về nguồn gốc chính gây bệnh viêm gan C; Giải Nobel Vật lý năm 2020 vinh danh ba nhà khoa học Roger Penrose, Reinhard Genzel và Andrea Ghez với công trình nghiên cứu về "Hố đen" trong vũ trụ; Giải Nobel Hóa học năm 2020 vinh danh hai nhà khoa học Emmanuelle Charpentier (sinh năm 1968, người Pháp) và Jenifer A. Doudna (sinh năm 1964, người Mỹ) với công trình nghiên cứu về phương thức chỉnh sửa bộ gien; và Giải Nobel Văn học năm 2020 được trao cho nhà thơ người Mỹ Louise Gluck với những "vần thơ không thể nhầm lẫn, nét đẹp toát lên từ sự thống khổ, khiến cho sự hiện hữu của mỗi cá nhân trở nên phổ quát".
Sau lễ công bố ngày 9/10, lễ trao Giải Nobel Hòa bình dự kiến diễn ra ngày 10/12 tới. Tuy nhiên, không giống như những năm trước, lễ trao giải năm nay sẽ không được tổ chức tại khán phòng chính của Tòa thị chính thành phố Oslo với sức chứa 1.000 người, mà là ở thính phòng của Đại học Oslo, với sức chứa chỉ khoảng 100 người. Trong khi đó, bữa tiệc truyền thống thường được tổ chức vào tối cùng ngày nhằm vinh danh chủ nhân giải thưởng sẽ bị hủy.
Trả lời phỏng vấn, người đứng đầu Viện Nobel Na Uy Olav Njolstad nhấn mạnh 2020 là một năm đặc biệt, nên cần phải chuyển lễ trao giải đến một địa điểm khác. Việc chỉ có 200 người trong một khán phòng với sức chứa 1.000 người sẽ khiến buổi lễ trở nên rời rạc.
Tháng 7 vừa qua, Quỹ Nobel - cơ quan quản lý các giải thưởng Nobel - đã thông báo hủy bữa tiệc truyền thống năm nay do đại dịch COVID-19, mặc dù các giải thưởng thuộc hệ thống này năm nay sẽ vẫn được trao tặng theo "những hình thức mới".
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1956, bữa tiệc truyền thống tháng 12 của Quỹ Nobel buộc phải hủy bỏ. Sự kiện thường niên này thường được tổ chức vào ngày 10/12 để tưởng nhớ ngày mất của người sáng lập ra giải thưởng Nobel - nhà bác học Alfred Nobel. Trước năm 2020, bữa tiệc trao giải Nobel cũng từng bị hủy bỏ vào các năm 1907, 1924 và 1954 vì những lý do khách quan.
Năm nay, mỗi giải thưởng Nobel sẽ được trao 10 triệu krona Thụy Điển (hơn 1.120.000 USD), tăng thêm 1 triệu krona so với năm ngoái. Giải thưởng sẽ được chia đều, nếu có nhiều hơn một người được vinh danh.
Mùa giải Nobel 2020 sẽ khép lại vào ngày 12/10 tới khi chủ nhân giải thưởng cuối cùng là Nobel Kinh tế được xướng tên.