Theo nguồn tin, các loại vũ khí Kiev yêu cầu viện trợ bao gồm hệ thống phòng không Patriot, chiến đấu cơ F-16 và máy bay không người lái Đại bàng Xám (Grey Eagle) MQ-1C. Đây đều là những vũ khí hiện đại mà Ukraine hy vọng có thể đẩy lùi đà tiến công của Nga trong cuộc xung đột đang diễn ra.
Nguồn tin tiết lộ Ukraine và Mỹ “đang thảo luận về việc có nên gửi cả 3 loại vũ khí này cùng lúc hay không, khi các thỏa thuận viện trợ dài hạn về việc chuyển giao vũ khí mới cho Kiev đang được triển khai. Báo cáo cũng nhấn mạnh các cuộc thảo luận đã bớt căng thẳng và Washington đang nỗ lực không để Kiev phân tâm khỏi các hoạt động chiến sự hiện tại.
Tuy nhiên, theo các nguồn tin của Politico, các cuộc thảo luận về việc gửi hệ thống Patriot, chiến đấu cơ F-16 và UAV Đại bàng xám “vào một thời điểm nào đó” đang diễn ra ở mức độ thấp. Cho đến nay, Mỹ đã từ chối các lời kêu gọi cung cấp loại vũ khí này, không chỉ vì lo ngại động thái này sẽ kích động Moskva, mà còn do những thách thức về vấn đề bảo trì mà lực lượng của Kiev sẽ phải đối mặt nếu họ nhận hàng.
Một nguyên nhân khác khiến Mỹ ngần ngại gửi các loại vũ khí này cho Kiev là vì Washington đang ưu tiên nguồn cung cho nhiều đồng minh ở châu Âu, Trung Đông và các quốc gia ở khu vực Thái Bình Dương cũng muốn sở hữu chúng. Chẳng hạn, nhiều quốc gia Đông Âu muốn mua máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất để thay thế phần cứng lỗi thời của Nga.
Politico cho biết Mỹ đang cân nhắc có nên gửi tên lửa Patriot cho Kiev theo một phần của chiến lược viện trợ dài hạn hay không, vì vẫn chưa rõ khi nào xung đột sẽ kết thúc. Theo báo cáo, các cuộc thảo luận về vấn đề này vẫn đang trong giai đoạn đầu. Quyết định cuối cùng sẽ do Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra.
Kể từ khi Tổng thống Biden lên nắm quyền đến ngày 15/9, Mỹ đã cam kết hỗ trợ an ninh khoảng 15,8 tỷ USD cho Ukraine. Trong đó, Kiev đã nhận được số lượng lớn thiết bị quân sự từ Washington, bao gồm tên lửa chống tăng Javelin, hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS), hàng chục lựu pháo và hàng trăm chiếc máy bay không người lái.
Về phần mình, Moskva đã nhiều lần cảnh báo việc Washington và các đồng minh cung cấp vũ khí cho Kiev sẽ chỉ kéo dài xung đột ở Ukraine và làm tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga.