Phương Tây cân nhắc cấp máy bay chiến đấu và vũ khí mạnh hơn cho Ukraine

Washington và các đồng minh đang thảo luận việc trang bị máy bay chiến đấu cho Kiev trong tương lai - theo tờ Financial Times.

Chú thích ảnh
Một máy bay phản lực F-16 ở Samsun, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Anadolu Agency/Getty Images

Đài RT dẫn nguồn tờ Financial Times cho biết, Mỹ và các đồng minh đang đàm phán về việc có gửi cho Ukraine những vũ khí tối tân hơn trong tương lai hay không, bao gồm cả máy bay chiến đấu .

Một số đồng minh phương Tây của Kiev đã được khích lệ bởi cuộc phản công thành công vào tuần trước của Ukraine ở khu vực Kharkiv. Hiện họ đang thảo luận về “nhu cầu dài hạn của Ukraine” – tờ FT dẫn nguồn tin ẩn danh từ Mỹ. Một số người tin rằng sẽ là phù hợp nếu gửi máy bay chiến đấu đến Ukraine trong "trung hạn và dài hạn", nguồn tin cho biết.

Các quốc gia phương Tây từ trước đến nay từ chối cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine, với lý do những thách thức về thời gian đào tạo phi công, các vấn đề về bảo dưỡng các hệ thống vũ khí tiên tiến trên mặt đất và nguy cơ leo thang trong cuộc xung đột với Nga.

Kiev đã đạt được một số tiến bộ trong các cuộc đàm phán với Slovakia, một cựu thành viên Hiệp ước Warsaw từng cho biết họ có thể cung cấp các máy bay phản lực cũ do Liên Xô sản xuất để hỗ trợ phi đội bay “có tuổi” của Ukraine. Quân đội Slovakia đã cho nghỉ hưu những chiếc MiG-29 của nước này vào cuối tháng 8.

Cuộc phản công ở Khu vực Kharkiv được giới chức Mỹ coi là một thành công lớn của quân đội Ukraine, sau khi những tháng trước đó, quân đội của Kiev đã phải hứng chịu một số thất bại trên chiến trường trước các lực lượng Nga và ủng hộ Nga trong khu vực.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 12/9 tuyên bố rằng các lực lượng Ukraine đã đạt được “tiến bộ đáng kể” sau khi được sự hỗ trợ của phương Tây “về đảm bảo rằng Ukraine có trong tay các thiết bị cần thiết để tiến hành cuộc phản công này”.

Theo ông Mark Warner, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, các cơ quan tình báo phương Tây cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị cho chiến dịch phản công của Ukraine.

Chú thích ảnh
Một Hệ thống pháo binh cơ động cao (HIMARS). Mỹ đã viện trợ loại vũ khí này cho Ukraine.

Hôm 8/9 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin cho biết chính quyền Tổng thống Biden đã thông qua đề xuất viện trợ quân sự thêm 675 triệu USD cho Ukraine.

"Đây là lần thứ 20 chính quyền Tổng thống Biden rút khí tài từ kho quân đội Mỹ viện trợ cho Ukraine kể từ tháng 8/2021", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu tại cuộc họp của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine ở căn cứ không quân Ramstein, Đức. Cuộc họp này có sự tham dự của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine và các nước đồng minh khác.

Theo ông Austin, gói hỗ trợ lần này bao gồm pháo 105 mm, rocket dẫn đường chính xác GMLRS và đạn pháo. Người đứng đầu Lầu Năm Góc mô tả Ukraine đang "ở thời điểm quan trọng", nhận định "cục diện cuộc chiến đang thay đổi" khi các lực lượng Ukraine bắt đầu mở đợt phản công ở miền Nam từ ngày 29/8 và các cuộc tấn công ở vùng đông bắc, nhằm vào Kharkiv.

Tuần trước đó, Nhà Trắng cũng đề nghị quốc hội phân bổ thêm 11,7 tỷ USD để hỗ trợ quân sự cho Ukraine, trong đó có 4,5 tỷ USD cho hoạt động mua sắm thiết bị, vũ khí.

Mỹ đã cam kết cung cấp hơn 13,5 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi xung đột bùng phát ngày 24/2. Giới chức Nhà Trắng cho biết khoảng 3/4 số này đã được giải ngân hoặc duyệt chi. Mỹ cũng đang là bên hỗ trợ nhiều nhất cho Ukraine, gửi nhiều khí tài cho Kiev, trong đó có hệ thống pháo phản lực HIMARS, lựu pháo M777 và máy bay không người lái tấn công.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Ukraine tuyên bố đạt đến ‘bước ngoặt’ trong cuộc xung đột
Ukraine tuyên bố đạt đến ‘bước ngoặt’ trong cuộc xung đột

Trong lúc Nga tấn công các lực lượng của Ukraine bằng pháo và tên lửa, Kiev tự tin có thể đẩy lui quân đội của Moskva. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN