Kinh tế thế giới gặp nhiều thách thức

Có thể nói rằng diễn biến của tình hình chính trị quốc tế gần đây và những hậu quả lâu dài của cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới các năm 2008-2010 đang đặt ra cho nền kinh tế thế giới hiện nay nhiều thách thức không dễ gì hóa giải được trong một sớm một chiều.

Những điều mà người ta nhìn rõ nhất là đất nước Hy Lạp bị vỡ nợ, cả châu Âu và quốc tế cũng chưa cứu được nước này. Kinh tế nhiều nước châu Âu khác, nhất là thuộc khối nước sử dụng đồng Euro vững mạnh như Đức, Pháp, Na Uy, Thụy Điển,… cũng đang phải gánh chịu nhiều đòn trả đũa của Liên bang Nga sau khi Mỹ và các nước Tây Âu áp đặt lệnh trừng phạt nước Nga sau sự kiện Crimea được sáp nhập vào Nga. Kinh tế Brazil, Argentina, Venezuela gặp nhiều khó khăn. 

Bảng tỉ giá giữa đồng ruble và USD, đồng ruble và euro tại Moskva ngày 12/8/2015. Ảnh: AFP/TTXVN


Kinh tế Nga gặp thảm họa vì dầu lửa mất giá khủng khiếp và đồng ruble của Nga cũng bị mất giá tới quá nửa giá trị. Ba nền kinh tế lớn nhất thế giới thì tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ không đáng kể; kinh tế Nhật Bản giẫm chân tại chỗ; kinh tế Trung Quốc thì GDP chỉ đạt 7% (so với 10 - 11% trước đây), chỉ số chứng khoán giảm mạnh, thị trường bất động sản sa sút và từ ngày 1/8/2015 đến nay Bắc Kinh đã phải phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) nhiều lần, tới mức gần 4% so với đồng USD vì hàng xuất khẩu của họ trong 7 tháng đầu năm nay sụt giảm tới 8,3% …

Vì sao Trung Quốc phá giá đồng tiền?

Từ tháng 7/2015, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã phải họp Quốc Vụ Viện (Chính phủ) Trung Quốc để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế khi thị trường chứng khoán sụt giảm sau một năm bùng nổ, các dòng tiền đang chảy ra khỏi Trung Quốc, hoạt động xuất khẩu bị đình trệ, nhiều nhà máy phải hoạt động cầm chừng, gây ra một làn sóng đình công, lãn công vì hàng triệu người lao động và hàng ngàn công ty bị ảnh hưởng do sức tiêu thụ và thu nhập giảm sút hoặc thất nghiệp. Tình trạng đó tạo ra sự bất ổn và làm mất lòng tin vào nền kinh tế và cả thể chế chính trị của Trung Quốc lâu nay vẫn được coi là ổn định lâu dài nhất thế giới, nó hoàn toàn trái ngược với ý muốn của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản kiêm Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình lúc nào cũng coi “ổn định trong nước là ưu tiên hàng đầu”, “là một ưu tiên cao hơn so với vấn đề trách nhiệm quốc tế của Trung Quốc”.

Bắc Kinh đã dành hầu như cả năm 2014 để củng cố tỷ giá của đồng NDT nhằm ngăn chặn các nhà đầu tư rút vốn, tránh tình trạng vỡ nợ và để giành chỗ đứng trong giỏ tiền của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Nhưng, khi kinh tế giảm tốc và nguy cơ giảm phát hiện hữu, từ 1/8/2015 Trung Quốc đã thay đổi chính sách bằng việc giảm giá đồng NDT tới 2%, thậm chí có ngày tới gần 4%, mức thấp nhất từ năm 1994 đến nay. Ngày 19/8/2015 Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã bơm thêm 110 tỷ NDT, tương đương 17 tỷ USD vào thị trường tiền tệ. Qua đó cho thấy Chính phủ Trung Quốc đã phải thừa nhận trên thực tế rằng các nguy cơ đối với nền kinh tế của họ đang gia tăng.

Bắc Kinh tính toán rằng phá giá đồng NDT họ sẽ tăng được nguồn hàng xuất khẩu giá rẻ sang các nước, khởi động lại các nhà máy và công ty bị đình đốn vừa qua và nhất là họ tạo thêm nhiều công ăn việc làm để giảm bớt sức ép về chính trị và xã hội. Nhưng, như cái boomerang, chính sách mới này của Bắc Kinh lại tạo ra nguy cơ cho chính Trung Quốc: đồng NDT giảm giá sẽ làm tăng khả năng không trả được các khoản vay nước ngoài, Trung Quốc gặp phải nguy cơ các nhà đầu tư rút vốn. Tháng 4 vừa qua, Ngân hàng Kaisa đóng trụ sở ở thành phố Thiên Tân trở thành doanh nghiệp Trung Quốc đầu tiên vỡ nợ tiền vay từ nước ngoài; nhiều doanh nghiệp trong nước khác có nguy cơ bị đẩy tới bờ vực tương tự …

Trong khi đó, các chính trị gia Mỹ gọi việc Trung Quốc phá giá đồng NDT là sự đe dọa đối với tình trạng việc làm tại Mỹ; các chính trị gia Nhật Bản than vãn rằng việc làm của Trung Quốc đã tác động tới cuộc chiến chống giảm phát của Nhật Bản. Hầu hết các quốc gia khác, kể cả các nước bạn bè và đồng minh của Trung Quốc ở Đông Nam Á thì có phản ứng khác nhau về việc làm nói trên của Bắc Kinh. Riêng tờ “The Guardian” (Người bảo vệ) của Anh thì đưa ra 8 ảnh hưởng của việc phá giá đồng NDT tác động tới toàn thế giới: Một là, việc này có thể ảnh hưởng rất nghiêm trọng. 

Trong tương lai có thể sẽ có nhiều hành động khiến đồng NDT tiếp tục mất giá, đe dọa những công ty xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc. Hai là, đồng NDT mất giá sẽ khiến cho các đối thủ châu Á khác của Trung Quốc phải đưa ra những biện pháp ứng phó cạnh tranh khó khăn hơn. Ba là, giá xăng sẽ càng rẻ hơn, nhất là khi thế giới lo lắng về việc kinh tế Trung Quốc rơi vào khó khăn. Bốn là, tình trạng lãi suất cao sẽ kéo dài. Năm là, nỗi lo giảm phát. Quyết định của Trung Quốc là minh chứng mới nhất cho phần cầu của kinh tế thế giới giảm sút, là nguyên nhân dẫn đến giảm phát. Sáu là, Australia sẽ khó khăn, vì những năm gần đây nhờ dựa vào xuất khẩu nguyên liệu thô cho Trung Quốc mà Australia đã trở lên phồn thịnh đến kinh ngạc. Bảy là, Hy Lạp đã khó khăn càng thêm khó khăn. Và tám là, chiến tranh tiền tệ. Đồng NDT mất giá gây phẫn nộ cho Washington. Nếu Bắc Kinh vẫn để đồng NDT tiếp tục mất giá sẽ dẫn tới căng thẳng thương mại, thậm chí là một cuộc “chiến tranh tiền tệ”.

Kinh tế Nga gặp giông tố

Đài RFI của Pháp ngày 18/8/2015 viết: “Đồng tiền quốc gia (của Nga) bị rớt giá thê thảm, cơ cấu kinh tế mất cân đối, phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu nguyên liệu, dầu khí; phương Tây tiến hành trừng phạt kinh tế tài chính do cuộc khủng hoảng Ukraina. Có thể nói, kinh tế Nga đang trong cơn bão tố”…

Theo các thông tin đã được công bố, từ tháng 1/2014 đến tháng 2/2015, đồng ruble của Nga bị mất giá 50%. Tháng 6 vừa qua, đồng tiền của Nga phần nào tìm được sự cân bằng, nhưng giá trị vẫn thấp hơn so với thời kỳ trước khi xảy ra khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng tiền tệ mà Nga đang phải trải qua có cội nguồn từ việc dầu lửa bị giảm giá nhanh và liên tục trên thị trường thế giới. Trong khi đó, một nửa ngân sách của Nga có nguồn thu từ dầu khí. Chính vì thế, chỉ trong một thời gian ngắn, thứ hạng của nền kinh tế Nga đã bị giảm từ vị trí thứ 10 trên thế giới xuống thứ 12 hoặc 13. Khi bị thất thu, một trong những giải pháp là đi vay trên thị trường tài chính quốc tế, trong khi chờ đợi giá dầu tăng. Nhưng các trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đã ngăn chặn khả năng này.

Nhận định về tác động của việc giảm giá dầu đối với nền kinh tế Nga, chuyên gia Julien Vercueil thuộc viện Ngôn ngữ và văn minh Phương Đông ở Paris (INALCO) viết: “Đây là vấn đề nghiêm trọng... Nga phụ thuộc tới 50% nguồn thu thuế vào các ngành công nghiệp xuất khẩu nguyên liệu, năng lượng và xét cho cùng, rất phụ thuộc vào đồng USD”.

Theo giới phân tích, khả năng đối phó, thích ứng của nền kinh tế Nga kém là do những vấn đề cơ cấu nội tại và những mất cân đối này đã tồn tại từ thời Liên Xô cũ, kéo dài cho đến nay. Công nghiệp nặng của Nga chủ yếu bao gồm các ngành khai thác nguyên - nhiên liệu. Trong khi đó, ngành công nghiệp chế biến rất yếu ớt. Nền kinh tế Nga còn có một đặc điểm khác là nó thiếu vắng mạng lưới các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo OECD, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực phát minh, sáng tạo. Trong các nền kinh tế lớn thì một phần tư (1/4) ngân sách nghiên cứu và phát triển được chia cho khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn tại Nga tỷ lệ này chỉ là 2% trong năm 2010 và 1,6% trong năm 2013.

Phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu dầu khí, lại bị phương Tây cấm vận, Nga đi tìm thị trường mới. Trung Quốc đang rất khát năng lượng, trở thành một đối tác quan trọng của Moskva. Mục tiêu đề ra là vào năm 2020, Trung Quốc sẽ tiêu thụ 25% tổng xuất khẩu dầu khí của Nga. Tỷ lệ này hiện nay là 5%. Tháng 10/2014, hai nước đã ký 38 thỏa thuận nhằm tăng gấp đôi tổng giá trị trao đổi thương mại song phương. Đáng chú ý nhất là hợp đồng khổng lồ trị giá 400 tỷ USD. Trong vòng 30 năm kể từ năm 2018, mỗi năm Nga cung cấp 38 tỷ mét khối khí đốt cho Trung Quốc, qua đường ống dẫn khí vừa được khởi công xây dựng tháng 9/2014.

Tuy nhiên, trong lúc các ngành công nghiệp phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người dân hầu như đình trệ thì công nghiệp quân sự của Nga vẫn phát triển. Các trừng phạt của phương Tây đối với Nga dường như không tác động đến các xuất khẩu vũ khí và thiết bị quân sự của Nga trong năm 2014. Tháng 1/2015, trong cuộc họp với Ủy ban hợp tác quân sự - kỹ thuật, Tổng thống Vladimir Putin đã khẳng định trong năm 2014 xuất khẩu vũ khí của Nga vượt quá 15 tỷ USD. Các hợp đồng đã ký có giá trị gần 14 tỷ USD.

Từ thực tế trên, các nhà phân tích cho rằng: Nếu có những yếu tố kinh tế, địa chính trị thuận lợi thì kinh tế Nga có thể thoát ra khỏi sự bế tắc, ví dụ như tình hình Ukraina lắng dịu, đồng ruble tăng giá và giá dầu lửa có xu hướng tăng trở lại, ba yếu tố này kết hợp với nhau thì kinh tế Nga có thể tái khởi sắc.

HỒ ĐỨC MINH
Thỏa thuận liên Triều được kỳ vọng thúc đẩy quan hệ kinh tế
Thỏa thuận liên Triều được kỳ vọng thúc đẩy quan hệ kinh tế

Thỏa thuận liên Triều đạt được vào sáng sớm ngày 25/8 có thể góp phần tạo đà mới cho sự hợp tác kinh tế giữa hai bên vốn bị ngừng trệ lâu nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN