Mùa xuân năm 1952, khi mới 16 tuổi, chàng thiếu niên Nguyễn Xuân Mai xung phong nhập ngũ, tham gia đơn vị phòng không trợ chiến của Đại đoàn 316. Tại đây, người chiến sĩ trẻ tuổi đã được tham gia lớp Chỉnh huấn (lớp học tập chính trị để nắm vững quan điểm chính trị,..), dựng lán, đan tấm liếp, đồng thời bắt đầu viết những bài báo đầu tiên trong cuộc đời của mình.
Từ năm 1952 đến năm 1953, chiến sĩ Xuân Mai liên tiếp tham gia chiến dịch Tây Bắc, chiến dịch Thượng Lào với nhiệm vụ là chiến sĩ liên lạc. Cuối năm 1953, Tiểu đoàn 536 (Đại đoàn 316) được bổ sung tân binh, thành lập thêm đại đội mới mang phiên hiệu 677. Lúc này, chiến sĩ Xuân Mai được tín nhiệm điều chuyển sang làm liên lạc viên tại đại đội 677.
Ngoài nhiệm vụ của một liên lạc viên, ông được giao phụ trách “báo chuyền tay” của đại đội. Là một người nhạy bén, quan sát tỉ mỉ, ông nhận thấy phần lớn các đồng chí tân binh mới có trình độ chính trị và văn hóa khá tốt, nên mạnh dạn chiêu mộ các thành viên, cùng góp sức cho ra những tờ “báo chuyền tay” hấp dẫn.
Ông kể, ngày 13/12/1953, trận chiến đấu tại Pu San (tỉnh Điện Biên) bắt đầu, đại đội 677 của ông bố trí lực lượng trên đồi 1168, thành công bắn hạ máy bay của địch và yểm hộ Trung đoàn 174 và Trung đoàn 98 tiêu diệt trên 100 tên địch, bắt sống 38 tên. Sau trận Pu San và Mường Pồn (tỉnh Điện Biên), Đại đoàn 316 được lệnh tiến vào sát địch, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lớn tiêu diệt các điểm cao phía Đông Mường Thanh.
Lúc này, quân ta đang chuẩn bị giải phóng Điện Biên theo phương châm "đánh nhanh, thắng nhanh". Nhưng chiều 26/1/1954, cấp trên có lệnh hoãn cuộc tiến công. Tất cả đều rút về vị trí tập kết, chuẩn bị lại theo phương châm "đánh chắc, thắng chắc.” Nhận thấy cuộc chiến đấu có thể kéo dài, Tiểu đoàn 536 phát động thi đua "Củng cố trận địa, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội". Từ đó, những căn hầm, ụ súng... được xây dựng vừa kiên cố, sạch sẽ, vừa bảo đảm bí mật, an toàn.
Ký ức về những chiếc hầm thời chiến vẫn in đậm trong trí nhớ của ông Xuân Mai, ông kể: “Có 8 ụ súng, bên mỗi ụ súng là hầm nghỉ cho một khẩu đội. Từ mỗi hầm đều có hào giao thông liên hoàn tới khu chỉ huy và hầm của Ban chỉ huy đại đội. Từ trung tâm trận địa có đường hào xuống khu vực anh nuôi ngay dưới chân đồi, có bếp Hoàng Cầm và các hầm nghỉ, hầm kho gạo, thực phẩm. Tất cả hầm nghỉ của cán bộ, chiến sĩ đều có nắp kiên cố, chịu được đạn pháo và bom hạng nhẹ của địch. Toàn bộ hệ thống hầm hào đều được trồng cây ngụy trang kín đáo, hợp lý. Trên trục đường hào xuống khu anh nuôi, còn có "hầm câu lạc bộ", là nơi sinh hoạt văn hóa của bộ đội....”
Cũng trong thời gian này, tổ “báo chuyền tay” của ông đã được “nâng cấp” thành tổ “báo hầm”, trở thành tờ đặc san của đại đội 677. Ông ưu ái đặt tên là “Quyết thắng”, gửi gắm niềm tin, sự kỳ vọng, chiến dịch nhất định thắng lợi.
Ông hào hứng khoe với chúng tôi về khoang hầm làm báo thời lửa đạn chiến trường: Khoang hầm rộng 20 m2, ngay sườn đồi quân ta làm “hầm câu lạc bộ”. Hầm làm báo sâu hơn 2 m, có mái che và ngụy trang, đủ ánh sáng, có 2 đường hào nhánh ra đường hào trục. Một vách hầm được mài nhẵn, dán giấy làm nền cho "báo hầm". Nổi bật trong hầm là bức ảnh chân dung Bác Hồ trang nghiêm, được vẽ bằng màu nước và đóng khung tre tỉ mỉ.
Ngày 3/2/1954, mùng 1 Tết Giáp Ngọ, người chiến sĩ Xuân Mai cùng các đồng đội chính thức khai trương “báo hầm”. Tờ báo ưu tiên viết về những chuyện chiến đấu của đại đội 677, những tấm gương thi đua lập công và những thông tin nổi bật về các đơn vị khác trong chiến dịch.
Trong thời điểm này, tờ báo Quân đội nhân dân đã xuất bản tại mặt trận, nhưng số lượng báo phát hành rất ít, từ cấp Tiểu đoàn trở lên được cấp báo. Là một chiến sĩ liên lạc, mỗi sáng có nhiệm vụ mang báo cáo lên Tiểu đoàn, ông Nguyễn Xuân Mai tranh thủ ghi chép những thông tin hay, ngắn gọn về thành tích chiến đấu, những gương chiến đấu dũng cảm của đơn vị. Nhiều bài ông Mai ghi chép lại từ báo Quân đội nhân dân, bổ sung cho “báo hầm”, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo chiến sĩ:
“Một hôm, tôi lên tiểu đoàn chép được bài tùy bút “Đêm nay Bác không ngủ” của tác giả Phú Bằng và Trần Cư. Bài báo được cả đại đội hoan nghênh. Nhiều đồng chí tuy đã học thuộc lòng, nhưng vẫn chép vào sổ tay lưu niệm. Chính trị viên Phạm Kỳ bảo tôi: Từ nay thấy báo Quân đội nhân dân có bài gì hay, có tác dụng động viên bộ đội, ghi chép lại phổ cập cho các đồng chí. Nhất là trong hoàn cảnh số lượng báo phát hành có hạn, chúng ta phải tìm cách phổ biến báo càng rộng càng tốt”, ông Xuân Mai hồi tưởng.
Nói về những bài viết tâm đắc, đôi mắt ông ánh lên niềm vui, niềm tự hào. Ông nói, đó là bài viết theo chính trị viên Phạm Kỳ dành lời khen là rất sáng tạo, ý nghĩa, ghi dấu chiến công hiển hách của đại đội 677, bắn rơi máy bay của Pháp đúng mùng 4 Tết Giáp Ngọ.
Bài viết với tiêu đề “Tết bánh chưng chay, chiến công đậm”, đã lột tả chân thực bữa hàng ngày của đơn vị ông, chủ yếu là gạo nếp của đồng bào Tây Bắc. Sau nhiều ngày, nhiều tháng nấu cơm gạo nếp, anh nuôi có sáng kiến làm bánh chưng chay, không có nhân, để các chiến sĩ dễ ăn hơn và cũng an ủi họ trong những ngày Tết chiến đấu xa nhà. Chỉ với những bữa ăn đơn sơ, thiếu thốn đó, nhưng đã nuôi dưỡng tinh thần, ý chí thép cho những chiến sĩ đại đội 677, giúp họ kiên cường lập chiến công, lần đầu tiên bắn rơi máy bay của địch trên vùng trời Điện Biên.
“Đồng chí Chu Huy Mân, Chính ủy Đại đoàn 316 đã đến trận địa Tà Lèng (tỉnh Lai Châu), trao Huân chương Quân công hạng 3 cho Đại đội 677 chúng tôi. Ba chiến sĩ trong đại đội cũng được tặng Huân chương Chiến công. Đồng chí khen Đại đội 677 vừa xây dựng tốt trận địa trên chiến trường, vừa bảo đảm được đời sống vật chất và tinh thần cho bộ đội. Sau đó, nhiều đơn vị đã tổ chức đến thăm quan, học tập rút kinh nghiệm tại đại đội tôi…”- nhà báo Xuân Mai tự hào kể.
Trong thời gian tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, đảm nhiệm tờ “báo hầm”, chiến sĩ Nguyễn Xuân Mai cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, đặc biệt là tìm kiếm vật liệu làm báo. Trước khi đi chiến dịch, ông dùng số tiền mình để mua 20 tập giấy trắng không dòng kẻ, 3 thỏi mực (mực nho, mực tím, mực xanh), 1 chiếc bút lông, bút máy và 1 hộp 7 tuýp màu, làm hành trang ra trận. Sau đó, ông chia cho anh em tại đơn vị 10 tập, còn lại 10 tập để dành viết báo, vì vậy số lượng giấy để sử dụng rất thiếu thốn.
Để khắc phục điều này, các đồng chí trong đại đội phải nghĩ ra nhiều sáng kiến, trong đó có sáng kiến tận dụng lại những chiếc dù, quân địch thả xuống Điện Biên. Sau thu nhặt được những chiếc dù, các đồng chí trong tổ “báo hầm”, xé thành từng mảnh vuông để làm giấy viết báo…
“Mặc dù mỗi người chiến sĩ, tham gia chiến dịch gặp nhiều khó khăn, gian khổ, thiếu thốn, nhưng chúng tôi luôn vui vẻ, đoàn kết, hăng hái, nhiệt tình trong học tập, rèn luyện để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Bộ đôi khi đó hừng hực khí thế, không ai dao động, bi quan, một lòng quyết chiến quyết thắng bảo vệ Tổ quốc”- ông Xuân Mai nói.