Sau khi vất vả leo một con dốc cao với bùn lầy lội xung quanh, cựu binh người Pháp 90 tuổi William Schilardi lặng người ngắm nhìn núi rừng Điện Biên từ trên ngọn đồi cách đây 70 năm ông từng tham gia chiến đấu.
“Hãy nhìn khung cảnh tuyệt đẹp này… Nhưng nơi đây cũng đầy rẫy xác người ngã xuống”, ông nhìn xuống những chiến hào của Pháp cũ kỹ, bỏ hoang bên cạnh.
Ông cùng 2 cựu binh Pháp khác, là Jean-Yves Guinard và Andre Mayer, có cơ hội quay trở lại chiến trường đẫm máu xưa kia nhân dịp 70 năm kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ - một chiến dịch kéo dài nhiều tuần vào năm 1954 và đánh dấu chấm hết cho sự hiếu chiến của thực dân Pháp tại Đông Dương.
Cùng với họ tham dự lễ kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ năm nay là sự góp mặt của Bộ trưởng Quân đội CH Pháp Sébastien Lecornu. Đây là lần đầu tiên Việt Nam mời một bộ trưởng từ một đế chế thuộc địa cũ tham dự lễ kỷ niệm chính thức. Quốc vụ khanh phụ trách Cựu chiến binh và Ký ức chiến tranh của Chính phủ Pháp bà Patricia Miralles cũng tham gia phái đoàn đến Việt Nam.
Đối với các cựu binh Pháp như ông Schilardi, Guinard và Mayer, lần thăm lại chiến trường này mang lại nhiều cảm xúc, vừa vui mừng vừa hồi tưởng lại những ký ức khó khăn khi xưa.
“Chúng tôi cảm thấy rất gắn bó với đất nước này. Bởi vì đây là một quốc gia mà con người cực kỳ khéo léo, dũng cảm và chăm chỉ. Chúng tôi không thể quên được. Chúng tôi đến đây nhân danh những đồng đội đã ngã xuống”, cựu binh Guinard chia sẻ.
Bất chấp cơn mưa lớn khiến con đường bùn trở nên trơn trượt, viên cựu đại tá 92 tuổi này vẫn tiếp bước lên đỉnh đồi Him Lam.
Ông Schilardi nhớ lại những trận đấu bằng dao và lưỡi lê trong các chiến hào đào xuyên ngang qua ngọn đồi, kéo dài gần như từ trên xuống dưới. Ông Schilardi cho biết chuyến đi lên đồi đã gợi lại những kỷ niệm và hồi tưởng mãnh liệt. “Trong chiến hào, xung quanh là xác chết. Tôi phải mất cả đời mới hiểu được những gì mình đã trải qua. Đó là địa ngục”, cổ họng ông Schilardi nghẹn lại vì xúc động.
Cả hai vị cựu binh lớn tuổi đều được những chiến sĩ Việt Nam hai tay ôm chặt, đỡ lên đồi.
Đồi Him Lam - cứ điểm của Pháp ở Điện Biên Phủ - thất thủ trong những giờ đầu tiên của chiến dịch phát động vào ngày 13/3/1954. Thực dân Pháp nhanh chóng nhận ra rằng họ đã đánh giá thấp hỏa lực của đối phương, không ngờ lực lượng Việt Minh trước đó đã kéo đại bác xuyên qua hàng trăm km rừng rậm và vượt núi cao hiểm trở. 56 ngày pháo kích và giao tranh trực tiếp khiến hơn 3.000 lính Pháp thiệt mạng.
“Bầu không khí ẩm ướt và cơn mưa này cũng trút xuống chúng tôi vào thời điểm Pháp đầu hàng”, ông Schilardi nhớ lại.
Sau khi thăm đồi Him Lam, 3 vị cựu binh Pháp được đưa đến Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ đặt tại trung tâm thành phố. Xung quanh họ là du khách và người dân địa phương đến thăm bảo tàng.
Một gia đình người Việt mặc áo cờ đỏ sao vàng tiến đến chào hỏi và mỉm cười chụp hình với cựu binh Guinard. “Sự chào đón của những người dân tại đây thực sự rất tuyệt vời”, ông Guinard nói với hãng tin AFP.
Một cựu chiến binh người Việt Nam cũng đi qua đám đông, đến bắt tay những cựu binh Pháp.
“Đây là cử chỉ thể hiện tình hữu nghị. Chúng ta đã từng ở bên hai đầu chiến tuyến, nhưng đó là thời chiến. Giờ đây, các ông được chào đón tại Việt Nam”, viên cựu chiến binh người Việt Nam trìu mến đáp lại.
Sau khi về nước, cả ông Schilardi và Guinard cho biết họ đều làm việc trong các tổ chức để nỗ lực xây dựng cầu nối giữa người dân hai nước sau chiến tranh.