Đa số người biểu tình đều đeo khẩu trang nhưng không thực hiện quy định giãn cách xã hội tối thiểu 2 mét. Khởi xướng cuộc biểu tình là những người lao động tự do, chủ cơ sở kinh doanh nhỏ và các nhóm nghệ sĩ trình diễn bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tham gia cuộc biểu tình còn có sinh viên và những người trẻ tuổi bị mất việc vì dịch bệnh. Một số người biểu tình cũng giương cao các tấm biểu ngữ bằng tiếng Do Thái nhằm phản đối nạn phân biệt chủng tộc.
Khoảng 300 cảnh sát đã được điều động tới quảng trường Rabin để đảm bảo trật tự công cộng và giám sát việc thực hiện các quy định giãn cách xã hội.
Chính phủ Israel áp đặt lệnh phong tỏa do dịch COVID-19 kể từ giữa tháng Ba vừa qua, theo đó chỉ cho phép những người làm việc trong lĩnh vực thiết yếu đến công sở đồng thời cấm mọi sự kiện công cộng. Các cơ sở vui chơi cũng bị đóng cửa, tác động mạnh đến ngành giải trí ở nước này. Trước sức ép của người dân và những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế, Chính phủ Israel hồi cuối tháng Năm đã nới lỏng các hạn chế. Tuy nhiên, số ca mắc COVID-19 vẫn tăng cao ở nước này, buộc chính phủ phải áp đặt trở lại các biện pháp phong tỏa như đóng cửa các quán bar, hộp đêm, phòng tập gym và hồ bơi công cộng.
Ngày 9/7, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã công bố một kế hoạch giải cứu kinh tế ước tính lên tới 70 tỷ NIS (20,3 tỷ USD) nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ và những hộ kinh doanh cá thể tồn tại trong cơn khủng hoảng dịch COVID-19. Khoảng 800.000 người lao động nước này đang phải nghỉ việc cũng sẽ được nhận trợ cấp thất nghiệp cho đến tháng 6/2021.
Theo số liệu của Bộ Y tế Israel, trong ngày 10/7, nước này ghi nhận thêm gần 1.500 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên hơn 37.000 người. Đây là số ca mắc COVID-19 trong ngày cao nhất ở Israel kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Hiện tổng số ca tử vong đang là 350 ca.