Góc khuất đằng sau ngành vận tải hàng hải quốc tế

Tuần trước, một tàu chở dầu do công ty Thụy Điển làm chủ gắn cờ Anh đã bị lực lượng tuần duyên Iran bắt giữ. Bị mắc kẹt trong sự cố đó là 23 thủy thủ – những người không hề có mối liên hệ nào với cả 3 quốc gia trên.

Chú thích ảnh
Tàu chở dầu gắn cờ Anh Stena Bulk bị bắt giữ trên Eo biển Hormuz. Ảnh: The National

Hãng CNN đưa tin vụ bắt giữ tàu chở dầu trên Eo biển Hormuz phần nào hé lộ những góc khuất phía sau thế giới tăm tối của ngành vận tải hàng hải quốc tế. Trong lĩnh vực đó, chỉ mất vài phút, chủ sở hữu có thể đăng kí hoặc tái đăng ký tàu của mình bằng cờ một quốc gia khác, biến những thủy thủ vô tội trên tàu trở thành quân cờ trên một bàn cờ chính trị.

“Nếu bạn có một thẻ tín dụng và chỉ 15 phút, bạn có thể đăng ký tàu của bạn với bất kỳ quốc kỳ nước nào”, Michael Roe – Giáo sư chính sách vận tải và hàng hải thuộc Đại học Plymouth, Anh – nhận định.

Theo quy định hàng hải, mỗi tàu vận tải hàng hóa phải được đăng ký dưới một tên quốc gia. Mặc dù Công ước Liên hợp quốc về luật biển quy định các tàu nên “có mối liên hệ thực tế” với quốc gia gắn cờ, song các quy định hiện nay cho phép tàu có thể đăng ký cờ của hầu hết các nước mà không xét đến tàu đó thuộc quyền sở hữu quốc gia nào, miễn là họ trả phí đăng ký.

Theo thống kê thực tế, gần 40% tàu vận tải trên thế giới đăng ký dưới tên 3 nước – Panama, Liberia và Quần đảo Marshall trong khi 3 quốc gia này chỉ vọn vẹn sở hữu 169 tàu.

Các yếu tố thương mại là những nguyên nhân khiến các chủ sở hữu tàu đưa ra quyết định chọn gắn cờ nước khác.

“Một phương thức để giảm thiểu chi phí là chọn cờ của những nước như Mongolia. Quốc gia này không có bờ biển, không có cảng biển, không thực sự có mối liên hệ trực tiếp nào với ngành vận tải hàng hải, nhưng giá cờ của nước này rẻ và tiêu chuẩn thấp. Vì vậy, điều này có lợi cho các công ty sở hữu tàu”, Giáo sư Roe giải thích.

Theo Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), 265 tàu với tổng trọng tải 664 triệu tấn trên thế giới đăng ký dưới quốc kỳ Mongolia.

Hy Lạp – một trong những quốc gia sở hữu hạm đội lớn nhất trên thế giới – đăng ký phần lớn tàu của mình bằng cờ nước ngoài, do các chủ doanh nghiệp muốn “lách” chính sách thuế cao của chính nước mình.

Việc đăng ký cờ của quốc gia uy tín cũng như để sinh lợi là lý do khiến nhiều nước cạnh tranh quyết liệt.

"Các công ty vận tải khảo sát để tìm được một lá cờ phù hợp là chuyện phổ biến", Richard Coles, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Luật Hàng hải thuộc Đại học Southampton, cho biết, “Tuy nhiên, việc lựa chọn gắn quốc kỳ có thể bị coi là vi phạm quy định trong ngàng vận tải hàng hải. Một tàu gắn cờ Anh hoặc cờ Mỹ - là những quốc gia thực thi nghiêm ngặt các quy tắc an toàn hàng hải, hoàn toàn khác với tàu gắn cờ của một hòn đảo Caribbean nhỏ không có các quy tắc, tiêu chuẩn rõ ràng”.

Bên cạnh vi phạm các nguyên tắc hàng hải, quyết định gắn cờ còn ảnh hưởng to lớn tới thủy thủ đoàn vận hành tàu. Stena Impero – tàu chở dầu thuộc sở hữu công ty Thụy Điển – bị Iran bắt giữ tuần trước gần như chắc chắn với lý do tàu này được gắn cờ Anh.

Động thái của Iran được coi như một đòn trả đũa sau khi Hải quân Anh bắt giữ tàu chở dầu của Iran tại Gibraltar với cáo buộc tàu này chở dầu lậu sang Syria bất chấp lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu.

Video Iran bắt giữ tàu chở dầu của Anh (nguồn: RT):

Thủy thủ trên tàu Stena Impero có quốc tịch Ấn Độ, Philippines, Nga và Lítva – những quốc gia gần như không có mối liên quan đến mâu thuẫn hiện nay giữa Iran và phương Tây.

David Heindel – lãnh đạo cấp cao thuộc Liên đoàn Công nhân vận tải quốc tế (ITWF) – cho rằng những nguy hiểm mà các thủy thủ phải đối mặt tại Eo biển Hormuz là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Hàng chục năm nay, ITWF liên tục triển khai chiến dịch phản đối “cờ tiện lợi”, cho rằng hành động đó khiến thủy thủ gặp nguy cơ bị lợi dụng. “Họ sẽ không có quyền giống như những người làm việc trên tàu mà quốc gia họ đứng tên làm chủ”, quan chức Heindel lý giải.

Về mặt lý thuyết, khi một tàu đăng ký cờ của một nước, nước đó sẽ chịu trách nhiệm về chiếc tàu cũng như thủy thủ đoàn, cho dù quốc tịch của họ là gì. Tuy nhiên, theo ông Heindel, những thủy thủ này thi thoảng sẽ gặp khó khăn khi nhận sự giúp đỡ từ quốc gia gắn cờ vì họ không phải là công dân chính nước đó. Điều này đặc biệt đúng khi lá cờ đó còn thuộc về một nước đang phát triển với quyền lực ngoại giao ít và không có luật bảo vệ người lao động thực sự.

Bên cạnh đó, khi rơi vào tình huống tranh cãi, các nước bị gắn cờ cũng không có sức mạnh giải quyết vì có thể công dân nước họ dính vào sự vụ song họ không có quyền đối với con tàu vi phạm kia.

Thậm chí, để tình hình còn rối ren hơn, các tàu được phép đổi cờ mình đăng ký từ trước và đăng ký lại với một quốc kỳ nước khác ngay giữa hành trình. “Ví dụ, trong Chiến tranh vùng Vịnh thứ nhất, một vài tàu vận tải của Kuwait được gắn lại cờ Anh và cờ Mỹ để được hưởng quyền lợi bảo vệ từ các quốc gia này”, nhà nghiên cứu Coles nêu rõ.

Phí bảo hiểm cũng có thể đóng một vai trò then chốt. Lloyd's List - một tạp chí tin tức chuyên ngành vận tải – tuần trước cho hay phí bảo hiểm rủi ro chiến tranh đối với các tàu gắn cờ Anh đã tăng hàng chục nghìn USD kể từ khi xảy ra sự cố tàu chở dầu Stena Impero. Điều này khiến nhiều chủ tàu không dám đăng ký tàu mình với cờ Anh.

Theo người phát ngôn của Stena Bulk, chủ sở hữu Stena Impero, chính phủ Anh và Thụy Điển đang tích cực triển khai các nỗ lực ngoại giao để trả tự do tàu và thủy thủ đoàn, cũng như đồng thời thông báo thông tin kịp thời cho các đại sứ quán Nga, Lítva, Philippines và Ấn Độ.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Nga thăm các thủy thủ bị Iran bắt giữ
Nga thăm các thủy thủ bị Iran bắt giữ

Ngày 27/7, Đại sứ quán Nga tại Iran thông báo các đại diện từ cơ quan này đã tới thăm 3 thủy thủ người Nga làm việc trên tàu "Stena Impero" treo cờ Anh, bị Iran bắt giữ hôm 19/7 vừa qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN