Theo báo Bloomberg, từ lâu Zhuhai Zhenrong Co. là một đối tác lớn của Iran. Công ty này được thành lập vào giữa những năm 1990 do thương nhân huyền thoại Yang Qinglong làm chủ với sự hỗ trợ của quân đội. Vào thời điểm xảy ra cuộc chiến tranh Iran-Iraq 1980-1988, lực lượng vũ trang Trung Quốc đã nhận dầu từ nước Cộng hòa Hồi giáo để đổi lấy vũ khí.
Đầu năm 2012, khi chính quyền của Tổng thống Mỹ đương nhiệm lúc bấy giờ là Barack Obama áp đặt lệnh trừng phạt đối với Iran, công ty Zhenrong trở thành mục tiêu do liên quan đến hoạt động bán xăng dầu cho quốc gia vùng Vịnh Ba Tư.
Tuy nhiên, bất chấp các lệnh trừng phạt, phớt lờ nỗ lực của Mỹ trong việc cô lập quốc gia Trung Đông để kìm hãm tham vọng hạt nhân, Zhenrong tiếp tục nhập khẩu dầu thô và dầu mỏ Iran.
Đến năm 2015, lệnh trừng phạt nhằm vào Iran được dỡ bỏ sau khi Tehran nhất trí thỏa thuận liên quan đến chương trình hạt nhân. Năm ngoái, chính quyền Tổng thống Donald Trump tái áp đặt các lệnh trừng phạt. Tháng 5 năm nay, Mỹ chấm dứt quyền miễn trừ cho phép một số quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, tiếp tục mua một số lượng dầu thô của Iran.
Trong khoảng thời gian trên, công ty Zhenrong tiếp tục mua dầu Iran. Theo thống kê của công ty tư vấn SIA Energy, Zhenrong nhập khẩu trung bình 156.000 thùng mỗi ngày trong 5 tháng đầu tiên, vượt hơn hẳn so với 106.000 thùng/ngày năm 2018 và 157.000 thùng/ngày năm 2017.
Ngay khi công bố lệnh trừng phạt hôm 22/7, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Zhenrong “cố tình tham gia vào một giao dịch mua dầu thô lớn từ Iran" sau khi các lệnh hạn chế hoàn toàn có hiệu lực từ ngày 2/5.
Những thông tin ít ỏi về Zhenrong càng làm tăng thêm sự bí ẩn của công ty này. Ngay cả khi sáp nhập với một công ty nhà nước khác - Nam Kwong Group - vào năm 2015, rất ít thông tin về Zhenrong được công khai, ngoại trừ tuyên bố chính thức về việc Hội đồng Nhà nước Trung Quốc phê duyệt quy trình tái cơ cấu.
Các công ty Trung Quốc thường được biết tham gia vào các giao dịch trao đổi để giải quyết các khoản nợ dầu với Iran, hoặc thực hiện thanh toán bằng đồng nhân dân tệ (NDT) cho tài khoản ký quỹ tại các ngân hàng Trung Quốc, nhằm tránh sử dụng đồng đô la Mỹ và hạn chế tác động của các lệnh trừng phạt.
Tháng 5, công ty tư vấn năng lượng FGE dự báo Trung Quốc sẽ tiếp tục nhập khẩu mỗi ngày khoảng 260.000 thùng dầu thô của Iran trong những tháng tới. Hơn 70% trong số đó là do Zhenrong thu mua.
Trong thông báo về các biện pháp trừng phạt mới hôm 22/7, Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo cho biết họ cũng sẽ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Giám đốc điều hành công ty - bà Li Youmin.
Thông tin hiện có về bà Li cũng rất ít. Theo thông tin cá nhân đăng trên trang web của tổ chức cựu sinh viên Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc Châu Âu ở Thượng Hải, bà Li vào công ty Zhenrong làm việc sau khi tốt nghiệp.
Bà từ chối phỏng vấn sau khi được phóng viên hãng tin Bloomberg liên lạc hôm 23/7. Hiện trang web chính thức của công ty Zhenrong không hoạt động. Không một ai trả lời điện thoại theo đường dây liên lạc chính tại trụ sở của công ty ở Bắc Kinh.
Theo bảng xếp hạng các công ty lớn nhất của Trung Quốc do Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc công bố, doanh thu của Zhenrong đạt 28,9 tỷ NDT (4,2 tỷ USD) trong năm 2016, xếp thứ 494. Đến năm 2017, công ty không còn nằm trong danh sách. Điều đó đồng nghĩa với việc hoặc công ty đã ra khỏi top 500 hoặc thông tin về công ty này không còn.
Căng thẳng giữa Iran và Mỹ leo thang kể từ khi Nhà Trắng đơn phương rút lui khỏi thỏa thuận nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran và tái áp dụng các biện pháp trừng phạt. Về phần mình, Trung Quốc nhiều lần lên tiếng chỉ trích các quy định hạn chế nước thứ ba. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh gọi những biện pháp trừng phạt đó là vi phạm luật pháp quốc tế.