Trung Quốc bất ngờ hưởng lợi từ 'sự cố' tàu chở dầu giữa Iran và Anh

Các công ty vận tải đang tìm phương án để đảm bảo hoạt động thương mại dầu mỏ tại Eo biển Hormuz, nơi đang diễn ra đòn trả đũa lẫn nhau bắt giữ tàu chở dầu giữa Iran và Anh.

Chú thích ảnh
Tàu chở dầu Anh Stena Impero bị lực lượng Iran bắt giữ. Ảnh: Stena Bulk

Theo đài Sputnik, Trung Quốc có lẽ nổi lên như một nhân tố bất ngờ hưởng lợi từ căng thẳng tại Vịnh Ba Tư, sau khi Iran bắt giữ một tàu chở dầu gắn cờ Anh tại tuyến đường hàng hải then chốt này.

Công ty giám sát hàng hải Anh Dryad Global tin rằng ngành công nghiệp vận tải “chưa hề được chuẩn bị trước” cho tình huống bất ngờ này, và các công ty vận tải đang bắt đầu tìm kiếm một giải pháp thay thế cho việc sử dụng tàu gắn cờ Anh trong khu vực.

“Những tàu có gắn cờ Anh, Mỹ và Saudi Arabia dễ trở thành mục tiêu nhất”, Philip Diacon – người đứng đầu Dryad Global – trả lời hãng thông tấn AFP. Ông Diacon cho biết phần lớn khách hàng của công ty hiện tìm cách đăng ký tàu chở hàng của họ mang cờ Trung Quốc – một đồng minh chiến lược của Iran.

Mỗi ngày có hơn 18 triệu thùng dầu thô vận chuyển qua Eo biển Hormuz, chiếm 1/3 tổng số dầu vận chuyển bằng đường biển và 1/5 nguồn cung của thế giới mỗi ngày.

Cuối tuần qua, công ty Dryad Global công bố một đoạn ghi âm ghi lại thời điểm lực lượng hải quân Iran phát cảnh cáo qua sóng vô tuyến tới tàu chở dầu Anh – tàu Stena Impero.

Theo đoạn ghi âm, tàu tuần duyên Iran thông báo tàu chở dầu Stena Impero phải thay đổi hướng đi, sau khi tàu chở dầu này được cho là va chạm với tàu cá Iran. Tuy nhiên, HMS Montrose - tàu khu trục của Anh đang tuần tra trong khu vực – đã báo lại tàu chở dầu rằng “không để lực lượng nào cản trở” vì tàu đang đi qua eo biển quốc tế được công nhận.

Tehran cho biết tàu chở dầu sau đó đã tắt đường truyền liên lạc và phớt lờ những lời cảnh báo, dẫn đến việc tàu này đã bị bắt giữ và đưa về cảng biển Iran chờ điều tra.

Tàu khu trục HMS Montrose cũng đã tới hiện trường để xử lý vụ việc, song hành động bị cho là quá muộn khi thời điểm tàu khu trục đến nơi, tàu chờ dầu đã được đưa vào hải phận Iran. “Tàu khu trục HMS Montrose thực sự không có nhiều cơ hội tác động đến sự việc”, ông Diacon kết luận.

Video lực lượng tuần tra Iran bao vây tàu chở dầu mang cờ Anh như phim hành động (nguồn: RT):

Theo ông Diacon, hành động này của Iran “rõ ràng khiến Anh bất ngờ”. Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt ngày 22/7 đã kêu gọi thành lập một sứ mạng hải quân do châu Âu dẫn đầu để đảm bảo cho các chuyến vận tải hàng hóa đi qua Eo biển Hormuz được an toàn. Người đứng đầu ngành ngoại giao Anh cam kết kế hoạch này “sẽ không nằm trong chính sách gây sức ép tối đa của Mỹ đối với Tehran vì Anh vẫn duy trì cam kết đảm bảo thỏa thuận hạt nhân Iran”.

Trong khi đó, Anh được cho là đang tìm cách tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực để đảm bảo an toàn cho tàu của họ. Tàu khu trục HMS Duncan Type 45 của Hải quân Hoàng gia Anh đang trên đường đến Vịnh Ba Tư, trong khi một kế hoạch khác điều động tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cũng đã được triển khai.

Các quan chức Tehran cũng thừa nhận hành động trên nhằm mục đích đáp trả việc Hải quân Anh bắt giữ tàu chở dầu Iran với nghi ngờ buôn lậu dầu tới Syria để tránh các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Iran khẳng định không muốn đối đầu với Anh
Iran khẳng định không muốn đối đầu với Anh

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif  ngày 22/7 khẳng định Iran không muốn đối đầu với Anh liên quan các vụ bắt giữ tàu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN