Phát biểu trong một cuộc họp nội các tại thủ đô Tehran, Tổng thống Rouhani khẳng định Iran "không muốn căng thẳng", song nếu các bên tuân thủ các quy định hiện hành, trong đó có cả ở eo biển Gibralta, nước Anh sẽ nhận được “câu trả lời phù hợp từ phía Iran”. Ông cũng cho biết thêm, Iran không ngoan cố, cũng không muốn một cuộc xung đột tại vùng Vịnh Persian, tuy nhiên nước này sẽ không nhượng bộ trước áp lực và các mối đe dọa từ bên ngoài.
Trước đó ngày 22/7, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng khẳng định Iran không muốn đối đầu với Anh liên quan các vụ bắt giữ tàu. Tuyên bố của người đứng đầu ngành ngoại giao Iran được gửi trực tiếp tới ông Boris Johnson, người chiến thắng trong cuộc bầu cử lãnh đạo đảng Bảo thủ và trở thành thủ tướng Anh, thay bà Theresa May ngày 24/7.
Hôm 19/7 vừa qua, giới chức Iran thông báo đã bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero treo cờ Anh khi tàu này đang trên hành trình tới một hải cảng ở Saudi Arabia nhưng đã bất ngờ đổi lộ trình sau khi đi qua eo biển tại vùng Vịnh. Phía Iran cho biết tàu này bị bắt giữ do "vi phạm luật hàng hải quốc tế". Trước đó vài giờ, một tòa án của vùng lãnh thổ Gibraltar thuộc Anh thông báo sẽ gia hạn giữ tàu "Grace 1" của Iran thêm 30 ngày. Đây là tàu chở dầu của Iran bị chính quyền Gibraltar bắt giữ ngày 4/7 trong một chiến dịch có sự phối hợp của lực lượng Hải quân Hoàng gia Anh với lý do tàu này vi phạm các trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Syria. Những diễn biến này đang khiến tình hình tại vùng Vịnh thêm căng thẳng.
Liên quan vụ việc trên, Bộ Ngoại giao Thụy Điển ngày 24/7 cho biết sẽ đàm phán với Iran, Anh và các nước khác nhằm tìm giải pháp giảm căng thẳng liên quan vụ một tàu chở dầu treo cờ Anh của Thụy Điển bị giới chức Iran bắt giữ hồi tuần trước ở Eo biển Hormuz.