Iran: Sẵn sàng đàm phán không có nghĩa là sẽ nhượng bộ

Iran không muốn gây căng thẳng với các nước châu Âu và nước này chỉ sẵn sàng đàm phán chứ không có nghĩa là sẽ nhượng bộ.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 24/7 đã đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran và Mỹ gia tăng liên quan tới hồ sơ hạt nhân của nước này, gián tiếp ảnh hưởng tới quan hệ của Tehran với các nước châu Âu . 

Chú thích ảnh
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: AFP/TTXVN

Trên trang web chính thức của mình, Tổng thống Rouhani nêu rõ: "Chừng nào tôi còn gánh trọng trách điều hành đất nước, chúng ta hoàn toàn sẵn sàng cho các cuộc đàm phán hợp pháp và công bằng để giải quyết các vấn đề".

Tuy nhiên, ông khẳng định điều này "không đồng nghĩa là chúng ta sẵn sàng nhượng bộ dưới danh nghĩa đàm phán", dường như ám chỉ tới các cuộc đàm phán có thể có với Mỹ.

Tổng thống Rouhani dường như đang ám chỉ đến các cuộc đàm phán có thể có với Mỹ.

Năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân được Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) ký kết hồi năm 2015 có tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), nhưng khẳng định ông vẫn sẵn sàng đàm phán với nước CH Hồi giáo này.

Đề cập tới JCPOA, Tổng thống Rouhani nhấn mạnh thỏa thuận này là một thành tựu chính trị quan trọng và hiện có một vài nước đang đóng vai trò trung gian nhằm thúc đẩy các cuộc đối thoại về thỏa thuận hạt nhân.

Ông cho biết nếu các cuộc đàm phán với các cường quốc còn lại không đạt kết quả, Iran sẽ tiến hành bước đi thứ ba trong việc giảm các cam kết theo JCPOA. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này cũng nói rằng việc giảm các cam kết của Iran chỉ mang tính tạm thời và Tehran có thể quay trở lại tuân thủ thỏa thuận nếu các bên ký kết còn lại vẫn duy trì cam kết của mình.

Ông cũng khẳng định Iran không muốn gây căng thẳng với các nước châu Âu.

Cũng trong phát biểu của mình, nhà lãnh đạo Iran tiếp tục bảo vệ việc Lực lượng Vệ binh cách mạng nước này bắt giữ tàu chở dầu mang cờ Anh cách đây vài ngày khi nhấn mạnh đây là cách xử trí "mạnh mẽ, chính xác và chuyên nghiệp". Ông cho rằng thế giới nên đánh giá cao vai trò của lực lượng này trong bảo vệ an ninh tại Eo biển Hormuz, đồng thời khẳng định Tehran vẫn luôn là nước bảo vệ chính cho Eo biển Bab Al-Mandeb ở phía Tây Nam Bán đảo Arab.

Nhà lãnh đạo này cũng nói rằng nếu Anh trả tự do cho tàu của Iran bị bắt trước đó, họ sẽ nhận được câu trả lời phù hợp từ phía Tehran.

Trước đó, ngày 19/7 vừa qua, giới chức Iran thông báo đã bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero treo cờ Anh có hành trình tới một hải cảng ở Saudi Arabia nhưng đã bất ngờ đổi lộ trình sau khi đi qua eo biển tại vùng Vịnh. Phía Iran cho biết tàu này bị bắt giữ do "vi phạm luật hàng hải quốc tế".

Trước đó vài giờ, một tòa án của vùng lãnh thổ Gibraltar thuộc Anh thông báo sẽ gia hạn giữ tàu "Grace 1" của Iran thêm 30 ngày. Đây là tàu chở dầu của Iran bị chính quyền Gibraltar bắt giữ ngày 4/7 trong một chiến dịch có sự phối hợp của lực lượng Hải quân Hoàng gia Anh với lý do tàu này vi phạm các trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Syria.

Những diễn biến này đang khiến tình hình tại vùng Vịnh thêm căng thẳng.

Phương Oanh (TTXVN)
Anh cử người hòa giải tới Iran
Anh cử người hòa giải tới Iran

Ông Mohammadi-Golpayegani, người phát ngôn Văn phòng Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei ngày 24/7 cho biết Anh đã cử một nhà hòa giải tới nước Cộng hòa Hồi giáo để bàn thảo việc trả tự do cho tàu Stena Impero bị Tehran bắt giữ ngày 19/7.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN