1. An ninh Israel
Theo một số chuyên gia, mối đe dọa với Israel không đến trực tiếp từ Iran mà là Lebanon. Phong trào Hồi giáo Hezbollah ở Lebanon ước tính sở hữu 120.000 tên lửa mà ngay cả hệ thống phòng không nổi danh Vòm Sắt của Israel cũng gặp khó khăn trong chống đỡ số tên lửa này.
Giáo sư Noam Chomsky tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) nhận định: “Nếu xảy ra xung đột với Iran, nạn nhân đầu tiên sẽ là Lebanon. Ngay khi có nguy cơ chiến tranh, Israel chắc chắn chưa sẵn sàng để đối mặt với hiểm nguy từ tên lửa của Hezbollah vốn được bố trí rải rác quanh Lebanon”. Do vậy, trong viễn cảnh xảy ra xung đột trực tiếp với Iran, Lebanon sẽ chịu tác động đầu tiên.
Đây có thể là lý do khiến Israel đã chuẩn bị cho một cuộc đối đầu với Hezbollah tại Lebanon trong nhiều năm, bao gồm cả tập trận mô phỏng xâm chiếm lãnh thổ Lebanon. Chính vì vậy, Mỹ sẽ không hề vội vã tấn công Iran trừ khi vấn đề Hezbollah tại Lebanon được xử lý đầu tiên để đảm bảo an ninh cho đồng minh của Washington là Tel Aviv.
2. Thông tin bị rò rỉ
Theo nội dung cựu Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch gửi về London bị rò rỉ trong thời gian gần gây và được tờ Daily Mail (Anh) đăng ngày 21/7, Tổng thống Trump hầu như không có chiến thuật gì với Iran. Ông Kim Darroch miêu tả chính sách của Tổng thống Trump là “hỗn loạn” và “rời rạc” và khó có thể nhất quán.
3. Thiếu ủng hộ từ cộng đồng quốc tế và trong nước
Theo tờ TIME, Mỹ chủ trương trong trường hợp tấn công Iran sẽ không thông báo trước cho Anh. Dường như Mỹ thất vọng về cam kết của Anh đối với chính sách của Washington về Tehran.
Ông Iain Duncan Smith thuộc đảng Bảo thủ gần đây còn chia sẻ với đài BBC (Anh) rằng cựu Thủ tướng Theresa May đã từ chối đề nghị hỗ trợ Mỹ tại Vịnh Ba Tư. Anh cũng không tham gia “Chiến dịch Lính gác” của Mỹ tuần tra tại khu vực Vùng Vịnh.
Trong tháng 6, một nhà ngoại giao cấp cao của Nga khẳng định Iran sẽ không chỉ có một mình khi bị Mỹ tấn công. Nhà ngoại giao này cho rằng không chỉ có Nga mà nhiều quốc gia khác cũng đồng cảm với Iran.
Việc gây chiến sẽ gặp nhiều khó khăn khi cộng đồng quốc tế cùng liên kết phản đối. Tuy nhiên, năm 2003, khi cộng đồng quốc tế không ủng hộ, Mỹ vẫn đưa quân đến Iraq.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, ngay cả người dân Mỹ cũng không mấy mặn mà với viễn cảnh tấn công Iran. Trong các cuộc khảo sát gần đây, kết quả thu được là hầu hết những người được hỏi đều nhất trí với quyết định hủy không kích Iran của Tổng thống Trump.
4. Iran chủ trương tránh chiến tranh
Iran vốn tuân thủ theo Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) - thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc trong Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) năm 2015. Ngoài ra, trước nhiều sự việc khiêu khích từ Israel, Iran có phản ứng bình tĩnh.
Viện CATO (Mỹ) từng nhận định: “Iran không thể chiến tranh với Mỹ. Bất kể cách Iran đánh giá về việc Mỹ rút khỏi JCPOA như thế nào và thiệt hại do các lệnh trừng phạt tái áp dụng gây ra cũng như các tuyên bố gần đây của Mỹ thì kết quả tồi tệ nhất với Iran là chiến tranh. Một chiến dịch không kích của Mỹ có thể gây ra thiệt hại đáng kể và việc đưa quân đến còn gây ra thảm họa”.
5. Lệnh trừng phạt
Bộ Ngoại giao Mỹ từng khẳng định cơ quan này tôn trọng vai trò của Quốc hội trong ủy quyền sử dụng lực lượng vũ trang. Ngoại trưởng Mike Pompeo từng cho biết mục tiêu của chính quyền hiện nay là tìm ra giải pháp đối với các hoạt động của Iran mà không rơi vào xung đột.
Đó là lý do chính quyền Tổng thống Trump thích chiến thuật “áp lực tối đa” thông qua các lệnh trừng phạt.