Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2020, chính quyền quân sự Mali đã ưu tiên tái lập chủ quyền trên tất cả các khu vực và Kidal có thể trở thành chiến trường then chốt. Một sĩ quan quân đội Mali xác nhận: “Chúng tôi chỉ cách Kidal vài chục km và đang tiếp tục tiến trình bảo vệ toàn bộ lãnh thổ”. Giới chức địa phương cho hay nhiều dân thường đã rời khỏi Kidal do lo ngại xung đột kéo dài.
Khoảng 25.000 người sống ở khu vực sa mạc Kidal, địa điểm quan trọng trên đường tới Algeria và là điểm nóng lịch sử của các cuộc nổi dậy.
Liên hợp quốc đã bày tỏ mối quan ngại về sự leo thang quân sự ở miền Bắc Mali trong bối cảnh Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc - MINUSMA rút khỏi nước này.
Quân đội Mali lên nắm quyền lãnh đạo đất nước bằng vũ lực hồi năm 2020. Hồi tháng 6 năm nay, họ đã yêu cầu MINUSMA rời khỏi nước này sau nhiều tháng quan hệ hai bên xấu đi.
Việc MINUSMA rời khỏi các căn cứ mà họ đóng quân đã làm trầm trọng thêm sự tranh giành quyền kiểm soát lãnh thổ giữa các nhóm vũ trang ở phía Bắc Mali, với việc các nhóm ly khai chủ yếu là người Tuareg nối lại các hành động thù địch chống lại nhà nước ở miền Trung, trong khi nhóm phiến quân "Ủng hộ Đạo Hồi và tín đồ Hồi giáo" (GSIM) có liên kết với tổ chức khủng bố Al-Qaeda gia tăng các cuộc tấn công nhằm vào các vị trí quân sự.