Hoạt động này làm dấy lên lo ngại rằng cuộc tranh giành quyền kiểm soát lãnh thổ giữa các nhóm vũ trang ở phía Bắc Mali sẽ diễn ra ngày càng trầm trọng, dẫn đến các cuộc xung đột căng thẳng giữa các nhóm này với lực lượng của chính quyền quân sự.
Trong một tuyên bố, MINUSMA cho biết hoạt động rút quân bắt đầu được triển khai tại hai doanh trại Tessalit và Aguelhok trong khu vực Kidal nơi thường diễn ra các cuộc giao tranh căng thẳng.
Trước đó, MINUSMA dự kiến rút lực lượng tại Kidal từ giữa tháng 10 này. Tuy nhiên, lịch trình trên đã được đẩy sớm lên do bạo lực leo thang giữa các bên để giành quyền kiểm soát lãnh thổ.
MINUSMA cũng cho biết sẽ hoàn thành việc rút lực lượng sớm nhất có thể và nếu cần thiết thì có thể đẩy nhanh việc rút lực lượng ở doanh trại thứ ba, thuộc thị trấn Kidal. Theo kế hoạch trước đó, việc rút quân khỏi doanh trại thứ ba này dự kiến là vào giữa tháng 11/2023.
Cuối tuần trước, Ngoại trưởng Mali, ông Abdoulaye Diop cũng cho biết việc MINUSMA rút quân khỏi miền Bắc Mali sẽ diễn ra đúng lịch trình và sẽ kết thúc vào ngày 31/12.
Kể từ tháng 8 vừa qua, MINUSMA đã chuyển giao 4 doanh trại cho chính quyền Mali. Tuy nhiên, việc rút quân khỏi các doanh trại ở khu vực Kidal thuộc miền Bắc Mali, đặc biệt là thị trấn Kidal – vốn được coi là thành trì của phe ly khai, có nguy cơ gặp phải nhiều rủi ro hơn cả.
Hồi tháng 6 vừa qua, chính quyền quân sự Mali đã yêu cầu MINUSMA rời khỏi nước này sau nhiều tháng quan hệ hai bên xấu đi. MINUSMA được triển khai từ năm 2013 tại Mali và đã trở thành mục tiêu tấn công của các phần từ thánh chiến.
Việc MINUSMA rút lực lượng khỏi Mali đã làm trầm trọng thêm giao tranh giữa các nhóm vũ trang ở phía Bắc Mali, nhằm tranh giành quyền kiểm soát lãnh thổ. Trong thông cáo báo chí hôm 14/10, LHQ nhấn mạnh rằng nghị quyết của Hội đồng Bảo an (HĐBA) về chấm dứt nhiệm vụ của MINUSMA vào tháng 6/2023 kêu gọi chính phủ chuyển tiếp của Mali hợp tác đầy đủ với LHQ để đảm bảo việc rút quân một cách có trật tự và an toàn.
MINUSMA có sự tham gia của 11.700 binh lính, đến từ 65 quốc gia. Phái bộ này được cho là sứ mệnh nguy hiểm nhất mà LHQ từng tham gia, với khoảng 250 binh sĩ giữ gìn hòa bình thiệt mạng trong 10 năm qua.