Trước đó ngày 21/10, quân đội Mali đã tiếp quản căn cứ Tessalit, đánh dấu đợt chuyển giao nhiệm vụ đầu tiên ở vùng Kidal, nơi các cuộc đụng độ với các nhóm vũ trang đã bùng phát trong thời gian gần đây. Việc rút các lực lượng của MINUSMA ra khỏi Mali sau 13 năm đã làm dấy lên lo ngại rằng giao tranh sẽ gia tăng giữa quân đội và các phe phái vũ trang nhằm giành quyền kiểm soát lãnh thổ.
Theo tuyên bố ngày 22/10 của MINUSMA, việc rút quân được hoàn thành "trong bối cảnh tình hình an ninh đang hết sức căng thẳng và xấu đi nghiêm trọng, gây nguy hiểm đến tính mạng của các nhân viên gìn giữ hòa bình LHQ”. Tuyên bố cho biết thêm các nhân viên gìn giữ hòa bình LHQ trước đây đã nhiều lần "buộc phải trú ẩn trong các hầm trú ẩn do bị tấn công". Theo MINUSMA, vào ngày 19/10, một máy bay vận tải C130 đang hạ cánh xuống căn cứ Tessalit thì bị tấn công bằng hỏa lực. Không có thương vong hoặc thiệt hại nghiêm trọng nào được ghi nhận.
MINUSMA cho hay trước khi rời khỏi căn cứ Tessalit, họ đã phải đưa ra "quyết định khó khăn về việc phá hủy hoặc ngừng hoạt động các thiết bị đắt tiền như xe cộ, đạn dược, máy phát điện và các trang thiết bị khác". Đoàn xe cuối cùng rời khỏi căn cứ Tessalit vào ngày 21/10 bằng đường bộ hướng tới Gao, thành phố lớn nhất miền Bắc Mali.
Hồi tháng 6/2023, chính quyền quân sự ở Mali, lên nắm quyền năm 2020, đã yêu cầu MINUSMA rời khỏi Mali, mặc dù quốc gia Tây Phi này đang phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng và các cuộc thánh chiến. Việc rút khoảng 11.600 binh sĩ và 1.500 sĩ quan cảnh sát thuộc MINUSMA dự kiến sẽ được tiếp tục cho đến ngày 31/12. Điều này có thể làm trầm trọng thêm sự ganh đua giữa các nhóm vũ trang đang hiện diện ở miền Bắc Mali. Liên minh các phong trào Azawad (CMA) - một liên minh gồm các nhóm chủ yếu do người Tuareg đứng đầu đang tìm kiếm quyền tự chủ hoặc độc lập - đã thực hiện một loạt cuộc tấn công vào các cứ điểm quân sự. Nhóm Hỗ trợ Hồi giáo (GSIM) có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda cũng đã gia tăng các cuộc tấn công chống lại quân đội Mali.
Trước Tessalit, MINUSMA cũng đã chuyển giao 5 căn cứ khác cho chính quyền Mali kể từ tháng 8 vừa qua. Tuy nhiên, việc sơ tán các căn cứ ở vùng Kidal, đặc biệt là thành phố Kidal, thành trì của phe ly khai, vẫn là một thách thức lớn. Phe ly khai không muốn các căn cứ được trao trả cho quân đội Mali, vì điều này sẽ đi ngược lại lệnh ngừng bắn và các thỏa thuận hòa bình đã đạt được với Bamako vào các năm 2014 và 2015.