MINUSMA nêu rõ, cho đến nay, 2.680 nhân viên của Phái bộ và 596 thành viên của Cảnh sát Liên hợp quốc (UNPOL) đã hồi hương.
Tổng cộng, 3.276 nhân viên của MINUSMA đã rời Mali kể từ khi quá trình rút quân bắt đầu. Hoạt động này không chỉ giới hạn ở quân đội và cảnh sát, khi có tổng cộng 91 nhân viên dân sự đã rút lui khỏi quốc gia châu Phi này, bao gồm 81 nhân viên quốc tế và 10 tình nguyện viên Liên hợp quốc.
Thông qua việc đóng cửa doanh trại Ménaka vào ngày 25/8, MINUSMA đã khép lại giai đoạn đầu tiên rút quân khỏi Mali. Ngoài Ménaka, Phái bộ trên cũng đã đóng cửa các căn cứ ở Ogossagou (Mopti), Ber và Goundam (Timbuktu). MINUSMA vẫn còn khoảng 10 căn cứ cần đóng cửa, bao gồm các căn cứ ở Kidal, Aguelhok và Tessalit (vùng Kidal), Sévaré, Douentza (ở miền Trung Mali), Gao, Timbuktu (ở phía Bắc Mali) cũng như 2 căn cứ ở thủ đô Bamako.
Nghị quyết 2690 của LHQ, được Hội đồng Bảo an thông qua ngày 30/6/2023, quy định "việc rút quân MINUSMA một cách phối hợp, có trật tự và an toàn, phải hoàn thành trước ngày 31/12/2023 và việc giải thể Phái bộ bắt đầu vào tháng 1/2024”. Theo người đứng đầu MINUSMA, ông El-Ghassim Wane, điều này tạo nên "thách thức to lớn", với thời hạn "rất ngắn", chỉ là 6 tháng cho việc giải thể một phái bộ đa chiều, chưa tính đến bối cảnh các cuộc cuộc tấn công khủng bố ngày càng gia tăng.
Kể từ khi bắt đầu quá trình rút quân vào ngày 1/7, MINUSMA đã ghi nhận nhiều cuộc tấn công nhằm vào các đoàn xe khác nhau của họ.