Theo dữ liệu từ Công ty phân tích Kpler, dầu Nga chiếm 46% tổng lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ vào tháng trước. Đây là “bước nhảy vọt đáng kinh ngạc” từ mức nhập khẩu dưới 2% trước khi phương Tây hạn chế mua dầu thô của Nga.
Các lô hàng từ Trung Đông - những nhà cung cấp dầu truyền thống của Ấn Độ - đã tụt lại phía sau Moskva, trong bối cảnh New Delhi tăng cường mua dầu của Nga với mức chiết khấu cao, sau khi các quốc gia phương Tây áp đặt mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô Nga xuất khẩu bằng đường biển.
“Dù Trung Quốc cũng đã nhập khẩu nhiều dầu thô của Nga hơn trong năm qua, với lượng nhập khẩu đạt kỷ lục, nhưng Ấn Độ - một đối tác chiến lược của Mỹ - cũng đã đứng ra can thiệp để hỗ trợ nền kinh tế Nga”, Bloomberg lưu ý.
Tuy nhiên, nguồn tin chỉ ra rằng không phải tất cả các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đều tăng cường nhập khẩu dầu của Nga. Một số nhà máy này không xử lý được các hỗn hợp dầu thô nặng hơn.
“Chẳng hạn, tại nhà máy lọc dầu BPCL ở Mumbai không có lò luyện cốc - một bộ phận chuyên xử lý dầu thô nặng hơn, chứa nhiều lưu huỳnh như của dầu Nga – chỉ có khoảng 1/10 lượng dầu thô được xử lý nhập khẩu từ Nga”, giám đốc điều hành tại một nhà máy lọc dầu cho biết. Tỷ lệ này thấp hơn so với một số nhà máy mới hơn của Ấn Độ, nơi lượng dầu Nga chiếm tới 40%.
Hãng tin cho biết dù cấu trúc của các nhà máy lọc dầu vẫn là một yếu tố hạn chế, nhưng việc định giá dầu mỏ hợp lý và dòng vốn đầu tư để nâng cấp cơ sở hạ tầng có thể thay đổi tình hình trong vòng 3 hoặc 4 năm tới.
Ông Jamal Qureshi, Giám đốc điều hành Chiến lược và Phân tích tại Petro-Logistics, cho biết: “Các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đã tiến rất xa, vượt ra khỏi suy nghĩ của chúng tôi. Họ đã nhanh chóng thay thế các loại dầu tương tự Ural, điều mà chúng tôi dự báo, nhưng họ cũng đã loại bỏ các loại dầu khác khỏi danh mục nhập khẩu”.
Vào tháng 3, nhà sản xuất dầu lớn nhất của Nga, Rosneft, đã ký thỏa thuận với Indian Oil Corp, nhà máy lọc dầu hàng đầu của nước này, nhằm tăng đáng kể nguồn cung dầu và đa dạng hóa các loại dầu nhập khẩu.
Trong thỏa thuận mới nhất, Moskva và New Delhi cũng đã chấp thuận sử dụng chuẩn giá dầu Dubai ở khu vực châu Á, từ bỏ tiêu chuẩn Brent của châu Âu, một nỗ lực trong việc chuyển hướng bán dầu sang châu Á của Nga.
Nga đã chuyển hướng cung cấp năng lượng từ các thị trường truyền thống ở châu Âu sang châu Á, chủ yếu là Ấn Độ và Trung Quốc, kể từ khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt trên diện rộng nhằm vào Moskva do chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu đã ngừng mua dầu của Nga từ ngày 5/12/2022 và Nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 đã cùng với EU áp đặt mức giá trần đối với dầu thô của Nga là 60 USD/thùng. Động thái này nhằm mục đích cắt giảm nguồn thu từ dầu mỏ của Nga trong khi duy trì sự ổn định trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.