Theo đài RT (Nga), khi giá hàng hóa, gồm cả dầu mỏ, tăng mạnh trên toàn cầu trong năm qua, thì Bangladesh đang phải vật lộn tìm cách đảm bảo nguồn cung năng lượng, duy trì nguồn dự trữ ngoại tệ đang cạn kiệt, cũng như vực dậy nền kinh tế trên đà suy yếu.
Khi được hỏi về khả năng mua dầu của Nga tại Diễn đàn Kinh tế Qatar, Thủ tướng Hasina tuyên bố: “Nếu Nga cung cấp dầu với giá cả phải chăng, tất nhiên chúng tôi sẽ mua. Tại sao không?”.
Bà Hasina lưu ý rằng Bangladesh duy trì chính sách quan hệ hữu nghị với tất cả các nước và sẽ không đứng về phía nào để cô lập Nga về chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine. Đồng thời, Thủ tướng Bangladesh nói thêm rằng nước này sẽ không bao giờ đóng vai trò mang tính đảng phái trên thế giới.
“Chúng tôi đang phát triển đất nước, chúng tôi phải đáp ứng nhu cầu của người dân và chúng tôi phải phát triển đất nước để người dân có cuộc sống tốt hơn”, bà Hasina giải thích.
Bangladesh chủ yếu nhập khẩu dầu từ các nước Trung Đông - bao gồm Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất - theo các hợp đồng dài hạn. Nhưng với chi phí năng lượng tăng cao và giá nhiên liệu tăng vọt ở quốc gia này, dầu mỏ của Nga có vẻ hấp dẫn và đã được các nước láng giềng như Ấn Độ mua với giá chiết khấu cao.
“Bất cứ nơi nào có dầu và bất cứ nước nào cung cấp dầu cho chúng tôi mức giá phải chăng, chắc chắn chúng tôi sẽ tận dụng điều đó”, bà Hasina nói và cho biết thêm rằng Bangladesh cũng đang xem xét tất cả các lựa chọn khác, bao gồm cả năng lượng tái tạo và năng lượng Mặt Trời.
Trước đó, vào cuối năm ngoái, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Australia đã áp mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô xuất khẩu của Nga vận chuyển bằng đường biển.
Vào tháng 2, các nước phương Tây tiếp tục áp trần giá 100 USD/thùng với các sản phẩm xăng dầu của Nga như dầu diesel và mức trần 45 USD/thùng với các sản phẩm dầu mỏ của Nga như dầu mazut.
Mục đích của chính sách trần giá là hạn chế nguồn thu từ dầu của Nga mà vẫn để dầu Nga chảy trên thị trường. Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong một bản cập nhật mới đây rằng gần 6 tháng sau khi thực hiện trần giá, chính sách này đã đạt được cả hai mục tiêu.
Bộ Tài chính Mỹ ước tính doanh thu từ dầu mỏ của Nga đã giảm xuống chỉ còn 23% ngân sách Nga trong năm nay, giảm từ 30% xuống 35% tổng ngân sách Nga trước khi Nga đưa quân vào Ukraine hồi tháng 2/2022.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tác động lâu dài từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây, các nhà phân tích cho hay dầu của Nga đang chảy về các nền kinh tế lớn của châu Á. Theo thống kê của công ty tình báo dữ liệu Kpler, Trung Quốc và Ấn Độ chiếm hơn 30% tổng lượng nhập khẩu dầu mỏ từ ba quốc gia là Nga, Iran và Venezuela trong tháng 4. Con số này tăng từ mức chỉ 12% vào tháng 2/2022, thời điểm Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.