Cơ hội lớn cho vaccine COVID-19 của Cuba, Ấn Độ tại các nước đang phát triển

Trong bối cảnh các quốc gia giàu có tích trữ vaccine COVID-19 của các hãng nổi tiếng như Pfizer, Moderna hay AstraZaneca để tiêm mũi tăng cường, các nước nghèo đã quay sang chọn những loại vaccine ít tên tuổi hơn của Cuba, Ấn Độ.

Theo tờ SCMP, Việt Nam và Iran mua vaccine COVID-19 của Cuba như Abdala và Soberana 2, Philippines mua vaccine Covaxin của Ấn Độ. Trong khi đó, vaccine ADN của Ấn Độ cũng là loại hứa hẹn với một số quốc gia.

Chú thích ảnh
Vaccine COVID-19 Soberana của Cuba. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại thế giới đang phát triển, các vaccine COVID-19 ít tên tuổi hơn đang có cơ hội mở rộng thị trường, chứ không chỉ bó hẹp trong thị trường nội địa. Nhiều loại vaccine COVID-19 từ chỗ ít người biết nay đã trở nên nổi tiếng hơn trong bối cảnh nguồn cung vaccine toàn cầu còn hạn chế và tác động tới nỗ lực tiêm chủng của các nước nghèo.

Ông Shabir Madhi, Giáo sư về vaccine học tại Đại học Witwatersrand ở Johannesburg, Nam Phi, nói: “Vấn đề không phải là vaccine được sản xuất ở đâu mà vấn đề là bằng chứng khoa học về an toàn và hiệu quả”.

Việt Nam đã mua 10 triệu liều vaccine Abdala ba mũi của Cuba và vừa nhận lô 900.000 liều đầu tiên loại vaccine COVID-19 này. Abdala là một trong 5 loại vaccine nội địa cho Cuba phát triển. Cuba cho biết Abdala có hiệu quả trên 92% trong các thử nghiệm lâm sàng.

Vaccine Abdala không phải là vaccine công nghệ vector, cũng không phải là công nghệ mRNA. Thay vào đó, các nhà khoa học Cuba sản xuất theo công nghệ vaccine tiểu đơn vị protein. Điều đó có nghĩa là vaccine chỉ mang một phần của protein gai – bộ phận mà virus SARS-CoV-2 dùng để bám dính vào tế bào người. Phần protein gai này bám vào các thụ thể của protein gai trên virus, kích hoạt phản ứng miễn dịch. Các nhà khoa học Cuba đã sử dụng men làm miền kết nối thụ thể.

Các nước Mỹ Latinh và Caribe như Argentina, Venezuela và Jamaica đã bày tỏ quan tâm tới vaccine Cuba. Iran cũng bắt đầu sản xuất và cấp phép sử dụng cho vaccine Soberana 2 của Cuba đầu năm nay.

Chú thích ảnh
Một em nhỏ 3 tuổi được tiêm vaccine COVID-19 tại La Habana, Cuba ngày 24/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Ấn Độ, các quan chức đã lên kế hoạch nối lại xuất khẩu vaccine COVID-19 tự sản xuất từ tháng 10 tới sau khi tạm ngừng hồi tháng 3 để đối phó với làn sóng dịch bệnh thứ tư. 

Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Mansukh Mandaviya cho biết ông hy vọng sản xuất vaccine trong nước sẽ vượt 1 triệu liều vào quý cuối năm 2021, thừa so với nhu cầu trong nước. 

Trước khi hạn chế xuất khẩu vaccine hồi tháng 3, nhờ có nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới là Viện Huyết thanh, Ấn Độ đã quyên tặng hoặc bán trên 65 triệu liều vaccine cho hàng chục quốc gia, trong đó phiên bản Covishield của vaccine AstraZeneca được sản xuất tại Ấn Độ chiếm phần lớn.

Trong ba loại vaccine được cấp phép trong nước của Ấn Độ có vaccine Covaxin do Bharat Biotech phát triển chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép. Các quan chức WHO dự kiến họp vào tháng tới để thảo luận cấp phép khẩn cấp cho Covaxin. Covaxin mới chỉ được cấp phép ở một số quốc gia đang phát triển như Guyana, Philippines và Zimbabwe.

Chú thích ảnh
Vaccine Covaxin của Ấn Độ. Ảnh: business-standard.com

Bharat Biotech hy vọng sản xuất 35 triệu liều vaccine COVID-19 trong tháng 9 và 55 triệu liều trong tháng 10, lên kế hoạch sản xuất 100 triệu liều vaccine mỗi tháng vào cuối năm.

Covaxin có hiệu quả 77,8% trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba, chiếm 12% vaccine được tiêm ở Ấn Độ.

Tháng trước, các nhà quản lý Ấn Độ đã cấp phép khẩn cấp cho vaccine ADN đầu tiên của thế giới có tên Zydus Cadila. Vaccine này hoạt động bằng cách đưa một mảnh nhỏ mã gien của virus vào phân tử ADN vòng (plasmid).

Một vaccine khác của Ấn Độ là Corbevax do công ty Biological E sản xuất cũng đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng và hy vọng sẵn sàng để sử dụng vào tháng 12.

Thử nghiệm giai đoạn 1 vaccine công nghệ mRNA của Ấn Độ HGCO19 đã hoàn tất vào tháng trước và được phép thử nghiệm các giai đoạn tiếp theo.

Ấn Độ cũng sản xuất vaccine Johnson & Johnson và Sputnik V.

Các quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam cũng đang phát triển vaccine nội địa để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng trong nước trong những năm tới.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Các đại học Australia kêu gọi chính phủ phê duyệt vaccine COVID-19 của Trung Quốc
Các đại học Australia kêu gọi chính phủ phê duyệt vaccine COVID-19 của Trung Quốc

Các trường đại học ở Australia đang kêu gọi chính phủ liên bang cấp phép hai loại vaccine Sinovac và Sinopharm sau khi cơ quan quản lý dược phẩm TGA thông báo kế hoạch cố vấn cho Canberra về các loại vaccine COVID-19 của Trung Quốc và Ấn Độ. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN