Chính phủ đóng cửa, nhân viên ngoại giao Mỹ mất tinh thần vì làm việc không lương

Bộ Ngoại giao Mỹ đang mất nhuệ khí làm việc khi chính phủ đóng cửa tuần thứ tư. Các nhà ngoại giao Mỹ trong nước và ngoài nước đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo tờ Vox, tình trạng đóng cửa chính phủ kéo dài mà không có dấu hiệu chấm dứt đang ảnh hưởng tiêu cực tới nhân viên Bộ Ngoại giao và các đại sứ quán Mỹ khắp thế giới. Tình trạng này cũng khiến cho Mỹ khó khăn hơn trong thực hiện công tác ngoại giao ở nước ngoài.

Nhà ngoại giao xoay sở với cuộc sống

Mặc dù Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố tinh thần làm việc của các nhà ngoại giao Mỹ tốt bất chất chính phủ đóng cửa, nhưng nhiều nhân viên của ông lại không cảm thấy thế.

 

Chú thích ảnh
Nhiều nhân viên ngoại giao Mỹ gặp khó khăn khi chính phủ đóng cửa. Ảnh: Getty

Nhiều người trong số 75.000 nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ đang gặp khó khăn trong công việc, thậm chí một số người còn phải xoay sở tiền bạc để trả những hóa đơn cần thiết trong lúc chờ lương.

Đó là một vấn đề lớn vì Bộ Ngoại giao là cơ quan đối ngoại hàng đầu của Mỹ nhưng lại phải hoạt động cầm chừng, cạn kiệt năng lượng. Chính phủ đóng cửa đã khiến Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gặp khó khăn trong chuyến công du quan trọng tới Trung Đông nhằm trấn an đồng minh rằng Mỹ sẽ không hoàn toàn rút quân khỏi Syria.

Chuyến công du của ông Mike Pompeo và vợ đã phải phụ thuộc vào công việc của các nhân viên ngoại giao không được trả lương. Việc ông Pompeo mang vợ theo đã bị trỉ chích vì phải tốn thêm nhân sự sắp xếp hậu cần chuyến đi.

Tờ Vox cho biết nhiều nhân viên giấu tên ở Bộ Ngoại giao đang gặp khó khăn khi vừa chật vật bươn chải với "cơm áo gạo tiền" vừa phải hoàn thành trách nhiệm công việc. Họ là một mảnh ghép trong bức tranh lực lượng lao động Mỹ thời khủng hoảng.

Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nói: “Kế hoạch của bộ ưu tiên cả bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia quan trọng và an toàn của công dân Mỹ tại nước ngoài. Bộ sẽ thực hiện các chức năng liên quan tới bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe và an ninh quốc gia”.

Tuy nhiên, một nhân viên ngoại giao cho biết tinh thần làm việc rất kinh khủng vì họ đang phải làm việc không lương và sẽ không được bồi thường khi chính phủ mở cửa trở lại.

Nhiều nhân viên Bộ Ngoại giao sẽ không được trả lương trong tuần này nếu chính phủ không mở cửa trở lại vào ngày 17 hoặc 18/1. Điều đó có nghĩa là một số gia đình sẽ phải khó khăn trong thanh toán tiền thuê nhà, mua thức ăn, thuốc men hay trả học phí…

Một nhà ngoại giao cho biết đã chứng kiến thẻ tín dụng một quan chức Bộ Ngoại giao bị từ chối giao dịch khi dùng để mua đồ ăn trong căng tin bộ. Một nhà ngoại giao ở Washington để tập huấn cho nhiệm vụ tại châu Á cho biết anh lo lắng về nhà ở do chính phủ tài trợ. Anh nói: “Không biết bao giờ thì tòa nhà tôi đang ở đuổi tôi ra ngoài vì Bộ Ngoại giao không trả tiền thuê".

Nhiều người đã cố gắng tìm việc khác để kiếm sống. Một nhà ngoại giao nữ cấp cao đã phải quay trở lại công việc nhận xét bút kẻ mắt để kiếm tiền. Cô cho biết nhiều đồng nghiệp đã hỏi số liên lạc để có thể viết bài nhận xét sản phẩm để kiếm tiền như cô. Có người thì bắt đầu bán muối tắm, người khác thì làm việc thêm tại một trường đại học. 

Với các nhân viên ở nước ngoài, họ khó khăn hơn vì chỉ có một thu nhập, trong khi vợ/chồng đi theo không làm việc.

Bộ Ngoại giao chật vật với công việc

Vào một ngày bình thường, trụ sở ở Bộ Ngoại giao Mỹ tại Washington và các đại sứ quán nước ngoài luôn đông đúc nhân viên. Giờ có tới 42% nhân viên trong nước và 26% nhân viên ở nước ngoài buộc phải nghỉ phép không lương.

Nhiều quan chức ngoại giao Mỹ lo sắp hết tiền để trả cho những nhân viên được thuê tại nước sở tại trong khi vai trò của họ rất cần thiết với đại sứ quán Mỹ ở nước ngoài. Các nhà ngoại giao buộc phải cắt giảm hoạt động. Các quan chức hàng đầu đa số bị hạn chế phát biểu tại các sự kiện công cộng hoặc tổ chức tiếp tân đón khách tới thăm Đại sứ quán Mỹ.

Gần một phần ba nhân viên trong văn phòng 30 người có nhiệm vụ chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo không thể làm việc. Mọi việc khó khăn trong bối cảnh người phụ trách văn phòng này, ông Brett McGurk đã từ chức tháng trước.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: Getty

Chính phủ đóng cửa còn ảnh hưởng tới các nhà ngoại giao đang tập huấn cho các nhiệm vụ tương lai.
Các lớp học ngoại ngữ tại Viện Ngoại giao cho nhân viên ngoại giao sắp nhận nhiệm vụ ở nước ngoài đã phải dừng hoạt động. Đó là một rắc rối vì một số nhà ngoại giao sẽ ra nước ngoài nhận nhiệm vụ trong vòng một hay hai tuần nữa mà không có kỹ năng ngoại ngữ cần thiết để trao đổi với các quan chức nước họ tới.

Một số nhân viên ngoại giao mới ở Washington không được đào tạo ngoại ngữ phải tự học. Họ cũng sẽ không được hướng dẫn chuyên nghiệp về cuộc sống khi làm đại diện cho Mỹ ở nước ngoài.

Bất chấp chính phủ đóng cửa, Ngoại trưởng Mỹ vẫn triệu các đại sứ ở nước ngoài về dự hội nghị hai ngày 16 và 17 ở Washington DC. Nhiều người cho rằng lẽ ra ông Pompeo nên hoãn hoặc hủy sự kiện này. Một nhân viên Bộ Ngoại giao nói với tờ Politico: “Chúng tôi không có đủ nhân viên để hỗ trợ các đại sứ”.

Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao cho biết cái giá lớn nhất có thể là uy tín quốc tế của Mỹ. Một nhà ngoại giao Mỹ làm việc tại châu Phi nói: “Các chương trình chúng tôi đã chuẩn bị hàng tháng trời, nếu không muốn nói là hàng năm đều đang bị trì hoãn. Từ những chương trình ngoại giao quyền lực mềm như thăm các học giả Fulbright và trao đổi văn hóa cho tới các dự án quan trọng hơn ở vùng xung đột… tất cả đã ngừng lại”.

Nhà ngoại giao này nói: Thật là xấu hổ khi phải nói với các đối tác địa phương rằng “Xin lỗi chúng tôi đang hoãn mọi thứ vì chúng tôi đang đóng cửa chính phủ cho tới khi có thông báo thêm”.

Một số nhà ngoại giao không hài lòng khi ông Pompeo bảo vệ quyết định xây tường biên giới của Tổng thống Donald Trump. Một người nói: "Nhà ngoại giao có xu hướng tập trung xây cầu, chứ không phải tường. Lấy bức tường để biện minh cho tình trạng đóng cửa chính phủ là một chính sách tồi tệ”.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Mỹ điều tra Huawei hoạt động gián điệp thương mại, sắp công bố cáo trạng
Mỹ điều tra Huawei hoạt động gián điệp thương mại, sắp công bố cáo trạng

Các công tố viên liên bang Mỹ đang ráo riết tiến hành điều tra tập đoàn viễn thông tên tuổi Trung Quốc Huawei về cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại từ các công ty Mỹ, trong đó có tập đoàn T-Mobile.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN