Theo dữ liệu được Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) công bố ngày 5/5, năm 2020, tổng số ca tử vong vì lạm dụng đồ uống có cồn tại 2 vùng trên là 7.423 ca, tăng 20% so với năm 2019. Trong đó, riêng quý II/2020, sau khi Anh bắt đầu áp dụng lệnh phong tỏa lần đầu vào tháng 3/2020, tổng số ca tử vong vì nguyên nhân này tăng 17%. Mức tăng ghi nhận ở các quý tiếp theo lần lượt là 22% và 28%. Các dữ liệu của ONS chỉ ra hầu hết các ca tử vong liên quan tới tình trạng lạm dụng đồ uống có cồn trong thời gian dài, các bệnh về gan do nghiện đồ uống có cồn, ngộ độc và các chứng rối loạn tâm thần và hành vi vì lạm dụng các đồ uống này.
Sadie Boniface, chuyên gia nghiên cứu hàng đầu của Viện nghiên cứu đồ uống có cồn cho rằng báo cáo này gióng lên hồi chuông cảnh báo khi số ca tử vong bắt đầu tăng trùng với thời điểm đại dịch xuất hiện. Theo chuyên gia Boniface, nguyên nhân khiến số ca tử vong tăng có thể do thay đổi thói quen uống rượu trong thời gian đại dịch, trong đó bao gồm khả năng những người vốn đã uống rượu nhiều ở mức nguy hiểm tiếp tục uống nhiều rượu hơn và do hạn chế trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế trong thời gian dịch bệnh. Dù không khẳng định chắc chắn nhưng chuyên gia này thừa nhận tình trạng này là hậu quả gián tiếp của đại dịch COVID-19 và khuyến nghị các chính phủ cân nhắc yếu tố này một cách nghiêm túc khi lên kế hoạch phục hồi hậu COVID-19.
Các dữ liệu mới của ONS cũng cho thấy tỷ lệ tử vong vì dùng đồ uống có cồn cao hơn đáng kể tại các vùng nghèo khó của các xứ England và Wales. Ở England, nguy cơ tử vong vì lạm dụng đồ uống có cồn đối với đàn ông ở các vùng nghèo nhất cao hơn 4 lần so với những vùng giàu nhất, trong khi mức chênh lệch ở phụ nữ là 3 lần. Nhìn chung, nguy cơ tử vong vì lạm dụng đồ uống có cồn ở nam giới cao hơn 2 lần so với nữ giới.