Tháng 3 vừa qua, Bộ Y tế Canada đã cho phép sử dụng vaccine của J&J cho người từ 18 tuổi trở lên, song đến nay, nước này vẫn chưa đưa vào tiêm chủng loại vaccine này, trong bối cảnh có những lo ngại về tác dụng phụ gây hiện tượng đông máu ở người được tiêm vaccine. Hiện lô vaccine J&J đầu tiên gồm 300.000 liều mà Canada tiếp nhận vẫn đang được lưu kho chờ kiểm định chất lượng sản phẩm.
Bà Shelley Deeks thuộc NACI khẳng định vaccine của J&J đã được chứng minh đạt hiệu quả cao trong ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng của COVID-19 và giảm nguy cơ bệnh nhân phải nhập viện điều trị. Tuy nhiên, bà thừa nhận có rủi ro một số trường hợp xảy ra phản ứng phụ xuất hiện cục máu đông liên quan đến vaccine này, như 17 trường hợp được báo cáo trong hơn 8 triệu liều được tiêm chủng tại Mỹ. Bà Shelley Deeks nêu rõ phản ứng phụ "mặc dù rất hiếm xảy ra, nhưng rất nghiêm trọng", do đó bà khuyến cáo "các cá nhân cần được thông báo về rủi ro để lựa chọn tiêm loại vaccine hiện đã có sẵn này" hay chờ các loại vaccine khác.
Quyết định cuối cùng về cách thức sử dụng vaccine sẽ phụ thuộc vào chính quyền các tỉnh và vùng lãnh thổ ở Canada.
Theo hãng tin AFP, vaccine J&J đang được sử dụng cho chương trình tiêm chủng tại 17 nước, trong đó có Pháp, Nam Phi, Mỹ, Tây Ban Nha, Đức và Ba Lan.
Trong khi đó, Đan Mạch ngày 4/5 thông báo ngừng tiêm chủng vaccine của J&J do lo ngại phản ứng phụ nói trên.
Canada đã đặt mua 10 triệu liều vaccine của J&J và cân nhắc mua thêm 28 triệu liều khác. Tuy nhiên, ngày 30/4, Canada thông báo tạm hoãn phân phối 300.000 liều vaccine đã nhận để kiểm tra chất lượng an toàn sản phẩm sau khi nhận được thông tin nguyên liệu bào chế lô hàng này được sản xuất ở nhà máy Emergent BioSolutions (Mỹ), nơi đã xảy sự cố nhầm lẫn thành phần vaccine của J&J và AstraZeneca khiến 15 triệu liều vaccine bị hỏng. Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Mỹ đã đình chỉ hoạt động sản xuất tại nhà máy này từ tháng trước.